.

Vì sao phải chấm dứt kinh doanh vàng trên tài khoản?

.

Ngày 30-12-2009, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 369/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng.
 

Các sàn vàng phải chấm dứt hoạt động trước ngày 30-3-2010. Trong ảnh: Một đại lý nhận lệnh sàn vàng trên đường  Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng. 

Theo thông báo này, mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và kinh doanh sàn giao dịch vàng ở trong nước phải chấm dứt trước ngày 30-3-2010. Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bãi bỏ ngay quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo Quyết định số 3/2006/QĐ-NHNN ngày 18-1-2006, và tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt các giải pháp nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam và khắc phục tình trạng đô la hóa.

Thực hiện chỉ đạo này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo: Tất cả các giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản đã cấp cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ hết hiệu lực từ 30-3-2010. Các DN và tổ chức kinh doanh vàng trên tài khoản phải thực hiện đóng mọi tài khoản ở nước ngoài và chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.

Từ cuối năm 2008 đến nay, trên thị trường tài chính nổi lên một trào lưu đầu tư mới, đó là sàn vàng. Các sàn giao dịch nở rộ tự phát, chưa rõ đầu mối cơ quan quản lý cũng như khung khổ pháp lý. Các sàn vàng nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Mặc dù hoạt động của các sàn giao dịch vàng đến nay đã chững lại nhưng dư nợ cho vay trên các sàn giao dịch vàng vẫn không hề nhỏ. Hoạt động kinh doanh sàn vàng (hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản) ở trong nước không phải là SXKD để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngược lại, một khối lượng vốn lớn được rút ra từ hoạt động SXKD để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng.

Tuy nhiên, hoạt động của các sàn giao dịch vàng chưa có cơ sở pháp lý. Mặt khác, do các sàn giao dịch vàng tự đề ra quy chế giao dịch và các nhà đầu tư chưa thể nhận biết rõ các rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh vàng trên tài khoản. Đồng thời, hoạt động của các sàn giao dịch vàng trong thời gian vừa qua tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây bất ổn KT-XH. Đã có không ít những tranh chấp, khiếu kiện giữa nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sàn xảy ra trong thời gian qua.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 5 sàn giao dịch vàng, mỗi ngày thu hút hàng trăm nhà đầu tư tham gia, giao dịch với doanh số hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là lượng tiền giao dịch này phần lớn được vay từ các ngân hàng, mà như đã phân tích ở trên, đây không phải là SXKD để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, nên hoạt động có mức rủi ro rất cao khi giá vàng thế giới có những biến động mạnh, lên xuống thất thường với biên độ lớn.

Mặt khác, hiện tại có không ít các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài và đã bộc lộ một số điểm hạn chế như: Các đơn vị được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, đồng thời chính họ đã thành lập các sàn giao dịch vàng trong nước, mà thực chất là mua bán vàng trên tài khoản ở trong nước, gây nhiều biến động trên thị trường vàng trong thời gian vừa qua. Không ít các nhà đầu tư vì không am hiểu kỹ thị trường này nên đã lỗ nặng, thậm chí phải phá sản.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để mọi tổ chức, cá nhân hiểu và tuân thủ theo đúng quy định chấm dứt mọi kinh doanh vàng trên tài khoản của Chính phủ.

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.