Với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10% của ngành Công nghiệp thành phố trong năm 2009 có thể được coi là một “kỳ tích” trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng.
Chỉ cần một điều chỉnh nhỏ về lãi vay và huy động vốn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với DN. Trong ảnh: Ở một phân xưởng của Công ty CP Dệt-may 29-3. |
Trong đó, nhiều DN sản xuất chủ chốt trên địa bàn có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ như: Công ty Cao su Đà Nẵng tăng 13,5%, Công ty CP Dệt-may 29-3 tăng 13,2%, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tăng 25%... Nguyên nhân quan trọng làm nên kết quả này là do các DN được hưởng lợi từ gói kích cầu của Chính phủ và các chính sách khác của thành phố, sự nỗ lực của các DN. Theo tính toán của các DN, với sự hỗ trợ lãi suất từ gói kích cầu của Chính phủ và lãi suất ngân hàng năm 2009 trung bình từ 6,5% đến 8% thì các DN chỉ phải chi phí từ 2,5% đến 4%/năm. Nhờ đó, các DN đã trụ được và có tăng trưởng, nhiều DN đã có dự định mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vậy nhưng, việc đột ngột tăng lãi suất vay của các ngân hàng vào đầu tháng 4-2010 vừa qua, mặc dù đã có sự chỉ đạo của Chính phủ đối với Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh lãi suất vào ngày 6-4-2010 xuống dưới 15%/năm, nhưng vẫn còn rất cao đối với DN. Thêm vào đó, việc tăng giá điện và giá một số vật tư chính yếu khác đã gây ra một “cú sốc” khá nặng cho các DN. Nhiều dự định đầu tư mở rộng sản xuất đã phải dừng lại, bởi chỉ riêng việc tính toán sao cho có lãi và duy trì sản xuất với mức lãi suất này cũng là bài toán khó của nhiều DN. Một thực tế hiện nay là tất cả các DN đều hoạt động bằng vốn vay của ngân hàng, do vậy chỉ cần một điều chỉnh nhỏ về lãi vay và huy động vốn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với DN. Ông Nguyễn Chánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt Hòa Khánh, cho biết: Công ty phải giảm 20% dự toán đầu tư mới của năm 2010 so với kế hoạch.
Mặc dù có uy tín đối với ngân hàng và được ngân hàng hỗ trợ tích cực, nhưng công ty vẫn phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư do nhiều khoản chi phí tăng, trong đó có lãi suất ngân hàng. Đối với các DN dệt-may, trung bình mỗi năm chỉ quay được từ 2,5 đến 3 vòng vốn và được coi là tương đối có hiệu quả, thì mỗi sản phẩm phải “gánh” từ 4,5% đến 5,6% lãi vay ngân hàng, đây là khoản chi phí cao nhất, sau chi phí tiền lương công nhân. Trong khi đó lãi gộp (chưa trừ lương, các chi phí quản lý sản xuất khác và lãi của DN) chỉ dao động ở mức từ 25% đến 30%, rất khó để các DN có lãi.
Đối với các DN làm hàng xuất khẩu như chế biến thủy, hải sản còn khó khăn hơn nữa. Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, việc đẩy cao lãi suất vay ngân hàng sẽ là bất lợi lớn cho các DN xuất khẩu mà mặt hàng sản xuất phải cạnh tranh trực tiếp với các DN các nước trong khu vực, rất khó để DN phát triển thị trường. Ông Lĩnh cũng cho biết, với mức vay trung bình hằng năm của DN vào khoảng 100 tỷ đồng thì tiền lãi trả cho ngân hàng tương đương với 1/3 quỹ lương cả năm của toàn công ty. Đây cũng là một hạn chế trong việc cải thiện điều kiện sống của người lao động của các DN hiện nay. Trong khi lãi suất vay trung bình của USD và các đồng ngoại tệ mạnh khác hiện nay luôn nhỏ hơn 5%/năm, kể cả vay trong nước và nước ngoài. Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với Chính phủ ngày 6-4-2010, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Võ Duy Khương cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay quá cao và vượt quá sức chịu đựng của DN.
Để đối phó với mức tăng lãi suất hiện nay, nhiều DN đã chuyển sang vay USD của ngân hàng, sau đó bán lại cho ngân hàng để lấy VND kinh doanh. Nhưng do không thu được hoặc thu không đủ USD để trả cho ngân hàng khi đến kỳ trả nợ, nên phải mua USD ngoài thị trường, sẽ rất bấp bênh và đầy rủi ro, rồi DN lại lâm vào cuộc “khủng hoảng” mới.
Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ về hạ mặt bằng lãi suất cho vay để gỡ khó cho DN, trên thực tế, lãi suất liên ngân hàng trong thời gian gần đây cũng đã có giảm xuống phần nào. Nếu Ngân hàng Nhà nước có cơ chế quản lý tốt, thực hiện đúng như những gì đã cam kết thì chắc chắn lãi suất VND sẽ giảm dần. Thêm vào đó, với việc lãi suất đã được điều hành theo cơ chế thị trường, nếu các DN không chấp nhận vay với mức lãi suất như hiện nay, theo dự đoán, các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất, do chính bản thân ngân hàng cũng phải cạnh tranh với nhau hết sức quyết liệt.
Hy vọng với sự can thiệp kịp thời của Chính phủ, các ngành, đặc biệt là sự điều chỉnh của ngân hàng, các DN có thể “chịu” được lãi suất vay, góp phần ổn định sản xuất.
Bài và ảnh: Đức Thịnh