Từ một thị trường còn non trẻ, đến nay, bất động sản (BĐS) Đà Nẵng đã khẳng định được thương hiệu trong nước và quốc tế, khi giá trị BĐS không ngừng gia tăng và thị trường phát triển rộng lớn. Một số nhà đầu tư đã biết làm thương hiệu dự án BĐS của mình ngay từ thương hiệu chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án đến tên tuổi các cá nhân nổi tiếng trong giới thể thao, âm nhạc như huyền thoại trên sân golf Greg Norman, ca sĩ Lam Trường...
Vùng đất Ngũ Hành Sơn đã có giá trị BĐS lên trên 1 triệu USD/biệt thự. |
Phương thức xây dựng thương hiệu tòa cao ốc Indochina Riverside Towers từ Quỹ đầu tư Indochina Land Holdings gây ấn tượng mạnh lên thị trường BĐS Đà Nẵng. Và ngay sau đó là phương thức khai thác thương hiệu cũng vô cùng ngoạn mục khi lúc bấy giờ các nhà đầu tư khác khai thác khách hàng trong nước thì Indochina Riverside Towers đã có bước đi táo bạo khi ký hợp đồng tiếp thị bán hàng qua Tập đoàn kinh doanh BĐS CB Richard Elis (CBRE). Theo đó, CBRE đã đưa thị trường BĐS Đà Nẵng chào bán trên sàn giao dịch BĐS Singapore.
Nhà đầu tư trong nước chinh phục thị trường BĐS bằng thương hiệu phải kể đến Vĩnh Trung Plaza do Công ty CP Đức Mạnh (DMC) đầu tư. Xét về quy mô đầu tư, Vĩnh Trung Plaza đã vượt lên gần gấp đôi, tức 50 triệu USD so với Indochina Riverside Towers và bước đầu khẳng định đẳng cấp của một tổ hợp thương mại dịch vụ cao ốc đa chức năng. Vĩnh Trung Plaza dựa vào lợi thế đắc địa của mình mà trở thành “bến đỗ” của Tập đoàn BigC (Cộng hòa Pháp). Với sự thành công trong đầu tư ngoài mong đợi, DMC đã có những bước đi tiếp theo đầy hấp dẫn khi cộng tác với CBRE tiếp thị bán hàng các căn hộ chung cư và xúc tiến hợp tác với Tập đoàn Accor để xây dựng khách sạn Novotel Đà Nẵng theo tiêu chuẩn 4 sao.
Thương hiệu BĐS Đà Nẵng ngày càng cất cánh khi những nhà đầu tư BĐS mới xuất hiện với hàng loạt dự án khu đô thị mới Đa Phước (Công ty Daewon Hàn Quốc), khu Trung tâm Thương mại thế giới Đà Nẵng (World Trade Center) do Tập đoàn VinaCapital đầu tư, cao ốc Blooming Tower Danang… Các nhà đầu tư trong nước cũng xây dựng thương hiệu cho các dự án đầu tư BĐS tại Đà Nẵng như Viễn Đông Median, Đà Nẵng Plaza, Thiên Kim…
Thương hiệu BĐS Đà Nẵng lại càng gây ấn tượng mạnh trên thị trường BĐS du lịch, khi các nhà đầu tư không thuần về khai thác lĩnh vực du lịch mà chuyển một phần dự án sang lĩnh vực BĐS. Indochina Land Holdings tiếp tục gây bất ngờ với khu cao ốc biệt thự ven biển có tên thương hiệu Hyat Regency Danang Residences. VinaCapital với 3 dự án BĐS gồm Ocean Villas, Norman Estates và mới đây là khu căn hộ cao cấp Azura. Thị trường BĐS Đà Nẵng còn nhiều thương hiệu khác như các khu đô thị Phú Mỹ An, Thủy Tú, Sơn Trà Resrost, Olalani… Ngoài ra, còn một số dự án tầm trung khác của Công ty CP Đầu tư Nam Việt Á với các dự án Đảo Xanh, Đảo Nổi, Nam cầu Tuyên Sơn…
Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Đà Nẵng, khẳng định thương hiệu BĐS Đà Nẵng đã xác lập được nền tảng khi Đà Nẵng đã tạo ra được niềm tin từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng trăn trở: “Thương hiệu BĐS của từng nhà đầu tư, từng dự án đã góp phần làm nên một thương hiệu BĐS Đà Nẵng lớn mạnh. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là tính liên kết thương hiệu BĐS trong nội tại chưa cao, chưa làm nên sức nóng của thị trường có tính lan tỏa. Biên độ giá trị thị trường BĐS giữa các dự án BĐS đầu tư dẫu liền kề nhưng vẫn có sự chênh lệch quá lớn. Thực tế đã cho thấy, khoảng cách khá xa về giá trị thị trường giữa BĐS đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước, giữa các vùng đô thị trong thành phố”. Theo các nhà nghiên cứu thị trường BĐS, đó là khoảng cách về chiến lược nhận diện thương hiệu dự án BĐS. Vậy đâu là chiêu thức kinh doanh trên thị trường BĐS Đà Nẵng?
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG