.

Giám đốc ngân hàng mất việc?

Đà Nẵng hiện có 54 chi nhánh ngân hàng (NH) cấp 1 và 192 phòng, điểm giao dịch, đồng nghĩa với đó sẽ có 54 giám đốc chi nhánh và 192 trưởng phòng giao dịch. Đó là chưa kể mỗi chi nhánh có từ 2 đến 3 phó giám đốc và hàng chục phòng liên quan. Ngoài ra, với khoảng trên 10 đại lý, chi nhánh công ty chứng khoán, các tổ chức cho thuê tài chính, công ty mua bán nợ…, số lượng người có chức danh trong hoạt động tín dụng trên địa bàn Đà Nẵng lên đến cả nghìn người.

Chính vì vậy trong những năm gần đây, tình trạng thu hút nhân tài từ NH này sang NH khác, từ tổ chức tín dụng này đến tổ chức tín dụng khác xảy ra rất quyết liệt; thậm chí để có được người mình cần, nhiều NH sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng mỗi tháng để trả lương cho giám đốc chi nhánh. Điều này cho thấy nhu cầu cần người lãnh đạo trong hoạt động tín dụng trên địa bàn rất “nóng”. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây có một số giám đốc NH bị mất việc, có người chuyển sang công tác khác, có người nghỉ hẳn, trong đó có người đã gắn bó với NH của mình nhiều năm.  

Trước thông tin một số giám đốc ngân hàng mất việc, dư luận đồn thổi rằng tình hình tài chính của NH đó có vấn đề, hay các giám đốc tìm cách “hạ cánh an toàn”… Trên thực tế, những lời đồn thổi trên là có căn cứ. Không phải ngẫu nhiên mà một người gắn bó mười mấy năm với NH lại ra đi chóng vánh như vậy. Có một giám đốc chi nhánh NH mà được giới tín dụng trên địa bàn nói vui là “giám đốc của những giám đốc”, bởi chỉ trong vòng 2 năm, ông đã làm giám đốc đến 5 chi nhánh NH trên địa bàn, nơi lâu nhất là 6 tháng, nơi nhanh nhất là chỉ hơn một tháng.

Theo giám đốc của một chi nhánh NHTMCP, áp lực là vấn đề lớn nhất mà các giám đốc NH phải chấp nhận, do các NH ngày càng chịu áp lực trong việc giữ và mở rộng thị phần của mình. Hiện nay, các NHTM phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt không chỉ bởi các NHTM nước ngoài mà còn phải chịu áp lực cạnh tranh với các tổ chức tài chính trung gian và các định chế tài chính khác như thị trường chứng khoán, cho thuê tài chính, bảo hiểm… Ngoài ra, việc cạnh tranh trong huy động vốn, cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ NH, cạnh tranh trong sử dụng lao động… ngày càng quyết liệt. Nếu ai không chịu được áp lực thì chắc chắn phải từ chức.

Lãnh đạo một chi nhánh NHTMCP (đề nghị không nêu tên) tâm sự: “Tôi đã từng là cán bộ lãnh đạo cấp phòng tại một cơ quan sở trên địa bàn, từng được đi du học nước ngoài, đã rất tâm huyết, nhiệt tình để cống hiến. Nhưng rồi cũng như nhiều người khác, tôi chấp nhận ra đi. Đơn giản là vì ở đó tôi không có cơ hội được làm việc một cách thực thụ. Khi đến với NHTMCP mặc dù áp lực lớn nhưng tôi được trả lương đúng với năng lực của mình. Và được thấy những ý tưởng của mình được áp dụng vào thực tế”.

Phương Uyên

;
.
.
.
.
.