.

Ngân hàng trước yêu cầu đạt vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng

.

Theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP về danh mục vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, chỉ còn vài tháng nữa, tất cả các ngân hàng (NH) phải đạt vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Điều này đã và đang gây áp lực lớn cho các NH, đặc biệt là các NH nhỏ.

Lãnh đạo Ngân hàng An Bình ký thỏa thuận bán cổ phần cho MayBank để tăng vốn. 

Thực tế cho thấy, hiện tại còn khoảng 20 NH có mức vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng như: Phát triển Nhà thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn Công thương NH, Nam Á, Dầu khí Toàn cầu, Đại Dương, Phương Nam, Phương Đông, Việt Á, Nam Việt, Xăng dầu Petrolimex, Kiên Long, Gia Định, Đại Tín, Tiên Phong… Hầu như các NH này đều có số vốn điều lệ dưới 2.000 tỷ đồng, điều đó đồng nghĩa với việc mỗi NH sẽ phải tăng trên 1.000 tỷ đồng từ nay cho đến cuối năm. Đó là chưa kể các NH có vốn trên 3.000 tỷ đồng cũng vẫn tiếp tục tăng vốn điều lệ để phát triển các nghiệp vụ kinh doanh.

Và không còn “nói suông” nữa, lần này NHNN đang cho thấy sự quyết liệt hơn khi ngày 10-5 vừa qua đã chính thức có văn bản yêu cầu các NH trong diện buộc phải tăng vốn sớm có kế hoạch tăng vốn cụ thể và hạn cuối để trình hồ sơ là ngày 30-6. Đặc biệt, với các trường hợp không có khả năng tăng vốn để bảo đảm vốn pháp định, hạn cuối là ngày 30-9-2010 phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân của mình theo luật định (sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể…).

Theo lãnh đạo một NHTMCP, trong quá trình phát triển của một NH, việc tăng vốn điều lệ là tất yếu nhằm phục vụ cho mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển mạng lưới, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và đứng vững hơn trước những rủi ro. Và việc tăng vốn điều lệ hiện được các NH thực hiện một cách quyết liệt bằng các phương thức bán cổ phần ra bên ngoài, phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn. Đặc biệt, việc bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài được xem là kênh huy động vốn còn đầy tiềm năng của các NH trong thời điểm hiện tại. Không ít NH đã bán đến 10% vốn điều lệ của mình cho đối tác nước ngoài, nhiều NH cũng đã vượt qua mức đó. Bên cạnh đó, tất cả các NH đều tiến hành đại hội cổ đông, trình và thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2010 để  bảo đảm yêu cầu trên.

Cuộc đua tăng vốn lần này ngoài việc đáp ứng yêu cầu của NHNN, còn có một mục đích khác là tăng cường khả năng tài chính của các NH khi không còn bao lâu nữa các NH trong nước bước vào cuộc chơi chung của sự cạnh tranh khốc liệt thời hội nhập WTO, vì vậy việc chủ động tăng vốn điều lệ đã khiến cho cuộc đua này thêm nóng bỏng. Tuy nhiên, đối với các NH có quy mô họat động lớn từ trước thì việc tăng vốn không mấy khó khăn, nhưng đối với các NH có quy mô nhỏ, hoặc các NH chuyển đổi từ mô hình NH nông thôn sang NH đô thị thì quả có không ít việc phải làm.

Đến thời điểm này, hầu hết các NH trong diện tăng vốn đều đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để bảo đảm yêu cầu vốn pháp định. Nhìn chung, phương án tăng vốn của các NH trên chủ yếu dựa vào nội lực của cổ đông hiện hữu, và một số ít có thể dựa vào nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ như: NH Đại Dương từ cuối năm 2009 đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho BNP Paribas (nhà đầu tư chiến lược nước ngoài) để tăng vốn điều lệ. Còn với Sài Gòn Thương Tín, nghị quyết Đại hội cổ đông ngày 21-4 vừa qua cũng đã xác định bán tiếp 5% cổ phần cho United Overseas Bank Ltd... Cho dù những kế hoạch này còn chờ sự chấp thuận của NHNN, nhưng cho thấy đây cũng là một trong những kênh huy động vốn điều lệ được nhiều NH lựa chọn.

Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận một nguồn cung rất lớn cổ phiếu NH từ các đợt phát hành thêm để mời gọi vốn. Hiện đã có 6 NH niêm yết trên thị trường chứng khoán gồm: Sacombank, ACB, SHB, Vietcombank, Vietinbank và Eximbank. Ngoài ra, một số NHCP khác như Western Bank, Nam Việt... cũng đang nộp hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu trên sàn. 
          
Bài và ảnh:  Thành Lân

;
.
.
.
.
.