.

Tác động tích cực từ việc áp dụng lãi suất thỏa thuận

.

Như vậy đã hơn 2 tuần, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức ban hành thông tư hướng dẫn cho vay bằng VND đối với khách hàng theo lãi suất (LS) thỏa thuận. Với cơ chế này, thỏa thuận LS đối với các khoản vay ngắn hạn chính thức được triển khai, sau khi cơ chế trên đã được mở đối với các khoản vay trung và dài hạn trước đó. Đây là bước đi được xem là hợp lý của NHNN nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất – kinh doanh, nhất là khu vực nông nghiệp và nông thôn, DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa...

LS vay giảm, khách hàng dễ tiếp cận vốn vay ở các NH.

Tác động tích cực nhất và dễ nhận thấy nhất sau việc triển khai áp dụng LS thỏa thuận là các NH đưa mức LS huy động về mức quanh mốc 11,5% so với mốc 11,99% trước đó. Cho dù người gửi có thể giảm một chút lợi nhuận nhưng các DN, khách hàng vay sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, bởi  LS huy động giảm, đồng thời LS cho vay cũng giảm theo. Đặc biệt, nguy cơ về cuộc đua LS sẽ không còn hiện hữu, đồng thời  mở đường cho việc tự do hóa LS theo cung cầu thị trường.

Trước đây, một số NH cổ phần quy mô nhỏ như Đại Á bank, Western Bank, Ocean Bank... thường đi đầu trong các cuộc đua LS, nay tỏ ra dè dặt hơn, áp dụng mốc không quá 11,5%. Đi đầu trong việc giảm LS huy động, NH cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng mốc 11,5%/năm cho các kỳ hạn từ 3 tháng đến 36 tháng, cho dù khách gửi nhiều hay ít tiền đều được hưởng 11,5% một năm. Với tiền gửi một tháng và hai tháng, SHB lần lượt trả lãi 11,4% và 11,45% một năm. Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp áp dụng mức LS cao hơn. Chính vì vậy, tại buổi làm việc với NHNN mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đề nghị NHNN Chi nhánh thành phố cần kiên định áp dụng các giải pháp chính sách tiền tệ tích cực, theo dõi, xử lý kịp thời nhằm đưa LS huy động xuống khoảng 10% một năm và cho vay 12-13% một năm, góp phần khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, đồng thời kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức cho phép.
Liên quan tới lãi suất cho vay, các NH hầu như đều đưa ra mức LS phù hợp theo hướng giảm dần.

Hiện nay, một số NH thương mại đã áp dụng LS cho vay ngắn hạn dưới 14%, cho vay trung hạn và dài hạn dưới 14,5% và cho vay tiêu dùng dưới mức 15% một năm. Đây được xem là mặt bằng LS hợp lý trong điều kiện kinh tế hiện nay. Điều này cũng sẽ tác động tích cực đến DN khi giảm bớt áp lực lãi vay, tạo thêm điều kiện cho DN tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cũng cho rằng, việc áp dụng LS cho vay thỏa thuận sẽ làm cho thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Đồng thời, khách hàng cũng dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn so với trước. Và dự báo, xu hướng LS sẽ ổn định trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm và không tăng so với mặt bằng hiện nay. Hiện LS cho vay thỏa thuận ACB áp dụng cho khách hàng VIP là 14%; khách hàng thường từ 14,5% - 15% và khách hàng mới từ 15,5% - 16%/năm.

Tuy nhiên, xu hướng hiện nay của nhiều NH là tăng cường nguồn thu từ dịch vụ thay vì lệ thuộc từ tín dụng. Thực tế, kết quả kinh doanh quý 1-2010 một số NH vừa công bố cho thấy tỷ trọng thu từ tín dụng rất thấp, khoảng 20%. Mặt khác, NH đóng vai trò làm trung gian giữa người gửi tiền và người vay tiền, nên LS cần bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả 3 bên. Vì vậy, NH cần phải tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn để duy trì sản xuất, góp phần tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.