Nợ xấu là một trong những mối lo hàng đầu của ngân hàng (NH). Và làm thế nào giảm tối đa được nợ xấu luôn làm đau đầu các nhà quản lý tài chính, nhất là trong bối cảnh các NH vừa bước ra từ cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng toàn cầu.
Khách hàng thực hiện giao dịch ở Vietcombank Ngũ Hành Sơn. |
Theo báo cáo của Vietcombank Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2009, tổng vốn huy động của NH đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 57 lần so với năm 1990; dư nợ tín dụng đạt trên 1.939 tỷ đồng, gấp 4,39 lần so với 10 năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay của các DN Nhà nước chiếm 32,14%; DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17,93%; công ty cổ phần, công ty TNHH, DN tư nhân và tư nhân, cá thể chiếm 49,93% trên tổng dư nợ… Nhưng nợ xấu của Vietcombank tính đến thời điểm trên chỉ có 16 triệu đồng, chiếm 0,001% tổng dư nợ. Đây có thể nói là một thành công hết sức ấn tượng của Vietcombank Đà Nẵng, nếu so sánh với mốc nợ xấu của toàn hệ thống NH trên địa bàn ước vào khoảng 2,67% và so với mốc 3,02% của khối NH thương mại Nhà nước.
Vậy, đâu là nguyên nhân để Vietcombank Đà Nẵng đạt được thành công như thế? Ai cũng biết nợ xấu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất là nhiều DN kinh doanh thua lỗ, dẫn đến việc gặp khó khăn về dòng tiền hoặc mất khả năng thanh toán. Do đó, các đối tác có quan hệ làm ăn với những DN này bỗng chốc phải gánh thêm phần nợ khó thu, và NH là một trong số đó. Đối với Vietcombank Đà Nẵng, để đẩy mạnh hoạt động tín dụng, NH luôn đa dạng hóa hình thức đầu tư, tiếp cận mọi thành phần kinh tế, chú trọng mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn như du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp chế biến, thủy điện... nâng cao chất lượng tín dụng, đa dạng hóa khách hàng, danh mục tài trợ trên cơ sở tăng trưởng mang tính bền vững.
Đồng thời NH “phòng ngừa từ xa”, thông qua việc xây dựng hệ thống kiểm soát nợ có tính chuyên nghiệp, phân loại, xếp hạng các món nợ, theo dõi hoạt động của bên đi vay và tiến độ thanh toán nợ, từ đó có giải pháp phù hợp để hạn chế rủi ro nợ khó đòi, nâng cao chất lượng phân tích tín dụng cho cán bộ và tư vấn giúp cho DN quản lý nợ của chính họ. Đây chính là điều kiện cần và đủ để Vietcombank “khám” được “sức khỏe” của DN, nắm bắt được tình hình hoạt động của DN để tìm ra biện pháp tốt nhằm kiểm soát và hạn chế tối đa nguy cơ nợ xấu, nhất là khi thị trường có khó khăn trong cho vay, NH cũng kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp, có chứng từ vay vốn rõ ràng, cũng như duy trì các kênh liên lạc giữa NH và DN để có thông tin trao đổi kịp thời, đồng thời luôn trích lập dự phòng rủi ro.
Giám đốc Bộ phận khách hàng doanh nghiệp và các định chế tài chính, NH ANZ, ông Philip Paterson, nói rằng: “NH là một ngành kinh doanh có nhiều rủi ro. NH nào không chấp nhận rủi ro thì không có lợi nhuận. Do đó, những khoản nợ xấu là một phần tất yếu trong hoạt hoạt động kinh doanh của NH, không có gì là bất bình thường cả”. |
Hiện tại, Vietcombank Đà Nẵng tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh theo mô hình NH bán lẻ, đa năng, hiện đại và đã trở thành NH chủ lực về cung cấp các sản phẩm dịch vụ NH, với hơn 78.000 khách hàng, trong đó hơn 75.000 khách hàng cá nhân và hơn 3.000 DN... Được biết, chỉ riêng quý 1-2010, Vietcombank Đà Nẵng cùng với toàn hệ thống Vietcombank trên cả nước đã trích 350 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng.
Bài và ảnh: Thành Lân