Tháng 5 với tâm lý lạc quan và sự ủng hộ tích cực của nguồn tiền, những phiên mở đầu tháng, VN-Index hưng phấn vượt lên gần ngưỡng 550 điểm trong niềm hy vọng, hân hoan của giới đầu tư. Tuy nhiên càng về cuối tháng, dưới áp lực giải chấp và ảnh hưởng tâm lý từ các thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhanh chóng thoái lui với những phiên giao dịch đầy hoảng loạn trước áp lực bán tháo cổ phiếu nhằm cắt lỗ, khiến cho VN-Index có lúc rơi mất 70 điểm xuống còn 480 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. |
Trên cơ sở đó, cổ phiếu ngành tài chính và ngân hàng dần dần sẽ lấy lại vị thế của mình, nhất là từ nửa cuối tháng 5 khi các tin tức về ngành tài chính - ngân hàng dự báo là khả quan. Các chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy cổ phiếu ngành tài chính và ngân hàng đã có sự tích lũy khá lâu, dao động xung quanh vùng đáy một thời gian dài, chỉ cần dòng tiền đủ mạnh vào thị trường kèm thông tin hỗ trợ là có khả năng tăng trở lại. Đặc biệt là thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ quyết thực hiện nghiêm lộ trình tăng vốn khi yêu cầu tất cả các ngân hàng phải đạt 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào cuối năm 2010. Đây chính là điểm mấu chốt, là nguyên nhân chính để các nhà đầu tư tin rằng: Các ngân hàng sẽ đua nhau tăng vốn điều lệ lên mà kênh chính không đâu khác ngoài việc phát hành cổ phiếu ra thị trường và bán cho cổ đông.
Hiện tại, trong tổng số 37 ngân hàng cổ phần đang hoạt động, khoảng 20 trường hợp chưa đạt mức vốn yêu cầu. Thế nhưng từ đầu năm tới nay, mới có 6 hồ sơ xin tăng vốn được duyệt, trong đó 3 hồ sơ đến từ những ngân hàng vốn trên 3.000 tỷ. Hai ngân hàng trong số này là Kiên Long và Sài Gòn Công thương, lần lượt xin nâng lên 2.000 tỷ và 1.500 tỷ. Như vậy, còn ít nhất 17 ngân hàng nữa sẽ xin đăng ký tăng vốn cho kịp thời hạn. Cụ thể, ngày 12-4 vừa qua, Đại hội cổ đông của Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã thông qua phương án tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.100 tỷ đồng.
OCB sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành từ thặng dư vốn, phát hành mới cho cổ đông hiện hữu, bán thêm cho đối tác chiến lược nước ngoài và bán chọn lọc cho đối tác trong nước, trong đó kế hoạch niêm yết trong năm nay cũng đã được cân nhắc. Riêng Ngân hàng Gia Định dự kiến sẽ phát hành gần 3,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và phát hành 94,6 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Trong đợt tăng vốn lần hai lên 3.000 tỷ đồng, ngân hàng sẽ chào bán 100 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và bán nốt số cổ phần nếu chưa bán hết trong đợt một. Gia Định cũng dự trù sẵn khả năng xử lý số cổ phần không chào bán hết bằng cách tiếp tục chào bán cho các nhà đầu tư trong nước có nhu cầu với mức giá và điều kiện phù hợp. Trước đó, một loạt các ngân hàng TMCP như: Đông Á, Quân đội, Phát triển Nhà thành phố Hồ Chí Minh... đã lên sàn cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Và mới đây nhất, vào ngày 28-5, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng vốn điều lệ từ trên 6.700 tỷ đồng lên trên 9.179 tỷ đồng, theo phương thức phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ cổ phiếu đăng ký phát hành thêm trên số vốn cổ phần hiện hữu của Sacombank là 37%. Trong đó, phát hành thêm 20%/vốn cổ phần cho cổ đông hiện hữu, với số lượng chứng khoán phát hành là 134.007.060 cổ phần; phát hành 2%/vốn cổ phần (13.400.706 cổ phần) cho cán bộ ngân hàng; phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2009 với số lượng chứng khoán phát hành: 100.505.295 cổ phần. Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích đều cho rằng: Các ngân hàng có thể sẽ phải tự niêm yết, tự lấy tiền đó cho vay và để tự nâng vốn của mình lên. Việc niêm yết hoàn toàn là một giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh khó khăn này.
Trong năm 2010, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là 25%, trong khi đó 5 tháng đầu năm chỉ tiêu này chỉ mới đạt ở mức trên dưới 6%. Như vậy, khoảng 19% còn lại sẽ được triển khai trong 7 tháng còn lại. Thực tế cho thấy lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang trong chiều hướng giảm dần, nhất là sau khi các ngân hàng thực hiện lộ trình cam kết với Hiệp hội không đẩy lãi suất huy động lên trên mức 11,5%, đây chính là yếu tố hỗ trợ cho nguồn vốn của nền kinh tế và có nhiều khả năng sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Phương Uyên