Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, đầu tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có cuộc họp với đại diện các ngân hàng (NH) nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc giảm mặt bằng lãi suất (LS) thị trường. Theo đó, nhiều NH đã thống nhất đưa mặt bằng LS về quanh mốc 11%/năm.
Các DN xuất khẩu được ưu đãi giảm lãi suất cho vay. |
Tuy nhiên, lộ trình này đang gặp không ít khó khăn, bất cập, bởi các NHCP có tâm lý chờ xem động thái giảm LS của các NH quốc doanh rồi mới lên phương án giảm LS. Hơn nữa, mặt bằng LS cho vay phổ biến hiện nay của các NHCP đang ở mức 14-15%/năm, còn LS cho vay tiêu dùng, mua - sửa chữa nhà từ 15 -17%/năm, LS cho vay tín chấp qua thẻ tín dụng lên tới 18 - 19%/năm, nay muốn giảm phải giảm từng bước, từ 13,5-14%/năm, sau đó mới tiến đến giảm 12,5-13,5%/năm như cam kết với VNBA. Đồng thời, các NHTM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trên thị trường do chênh lệch LS giữa đầu vào và đầu ra rất thấp, chỉ ở mức trên 1%, có NH chỉ 1,5% hoặc 1,7%, trong khi tỷ lệ này phải ở mức 3% trở lên thì NHTM mới duy trì được hoạt động và có lãi.
Để triển khai thực hiện, đại diện của các NHTMCP, NHTM Nhà nước cam kết thực hiện việc giảm LS cho vay đối với ba đối tượng ưu tiên, bao gồm doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nông nghiệp – nông thôn, DN nhỏ và vừa xuống còn 12-12,5%/năm. Đi tiên phong là NH Công thương Việt Nam (Vietinbank) từ ngày 1-7, công bố LS cho vay tối đa đối với DN vừa và nhỏ, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu là 12,5%/năm. Đồng thời NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đang xem xét đưa LS cho vay tối đa đối với các đối tượng trên từ 12,5%/năm xuống còn 12%/năm. NH Quân đội (MB) cho biết sẽ đưa LS cho vay ngắn hạn từ 12 - 13,5%/năm về mức 12,5%/năm, LS các khoản vay trung, dài hạn cũng sẽ giảm dần. Nhiều NH lớn khác cũng đang tính toán để đưa LS cho vay tối đa về mức 12,5%/năm.
Song gần đây nhất, ngày 5-7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị quốc doanh đầu tiên hạ LS tiết kiệm xuống 11%, tại một số chi nhánh còn ở mức 11,2%. Và trong ngày 6-7, một số NHCP như An Bình, Sài Gòn – Hà Nội, Miền Tây cũng đã đưa LS tiết kiệm về 11,2%. Ngày 7-7, Ngân hàng Á Châu và Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã bắt đầu hạ LS tiết kiệm xuống còn 11,2%. Tuy nhiên, hiện có không ít NH vẫn giữ nguyên mức LS huy động tiền gửi VND cho các kỳ hạn trên 11%/năm, thậm chí là 11,5%/năm.
Trên thực tế, các NH đang “nhìn nhau” để hạ thêm LS huy động, thậm chí có NH muốn giảm mạnh LS tiết kiệm nhưng không dám thực hiện vì e ngại người gửi tiền chuyển dịch từ NH này đến NH khác, NH có LS tiết kiệm thấp sẽ mất khách hàng về NH có LS tiết kiệm cao hơn. Và điều này đã xảy ra với BIDV khi hạ LS xuống 11%, chỉ trong 2 ngày đã có hàng chục chi nhánh báo cáo về Hội sở tình trạng khách hàng rút tiền chuyển sang nơi khác.
Nhưng vấn đề được dư luận khá quan tâm là trong khi các NH giảm LS cho vay và LS tiết kiệm VND thì từ trung tuần tháng 6-2010 đến nay, LS huy động USD có sự gia tăng nhanh chóng. Đây là một diễn biến trái chiều ở NH. Nếu trước đó, LS huy động USD chỉ phổ biến quanh mức 4,5%/năm, thì nay nhiều NH đã tiếp cận mốc 5%/năm; một số thành viên đã nâng lên tới 5,25 - 5,5%/năm. Theo khảo sát của chúng tôi, tuần vừa rồi, nhiều NH chưa điều chỉnh hạ LS huy động VND nhưng lại tăng LS huy động USD từ 0,3-0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn.
Cụ thể, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tăng LS USD tiết kiệm bậc thang ở các kỳ hạn 0,1-0,2%, mức LS cao nhất 5%/năm. Liên Việt có LS trái phiếu ghi danh ngắn hạn bằng USD cao nhất 5,15%/năm. Đồng thời, NH này cũng tăng LS tiết kiệm USD với mức cao nhất 5,25%/năm đối với kỳ hạn gửi từ 24 tháng trở lên. Cá biệt có NH tăng LS huy động USD từ 5% trở lên ở nhiều kỳ hạn từ 6 đến 60 tháng và cao nhất lên tới 5,5%/năm ở kỳ hạn 48 tháng; các kỳ hạn 24 và 36 tháng cũng ở mức 5,4% và 5,45%/năm. Những diễn biến này cho thấy, quyết tâm giảm LS huy động đang vướng phải nhiều khó khăn.
Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, việc duy trì LS huy động cao sẽ khiến LS cho vay cao, gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vay vốn. Vì vậy, các NH dù đã đồng thuận giảm LS huy động xuống 11%/năm nhưng không thể thực hiện trong thời gian ngắn, dự kiến đến tháng 10 mới giảm xuống quanh mức 10%/năm. Trên thực tế, không ít DN cho rằng LS cho vay của các NH vẫn còn quá cao so với tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Với mức LS cho vay thỏa thuận phổ biến trước đó khoảng 14 – 16%/năm, ít DN nào kinh doanh có lãi cao hơn thế để trả lãi NH. Cũng có NH niêm yết công khai mức LS cho vay ở mức 12%/năm, nhưng bên cạnh đó có vô số phí, chi phí không chính thức, nếu cộng dồn thì cũng như mức lãi suất 14-16% mà thôi. Đây cũng chính là những khó khăn mà các DN muốn NH chia sẻ với mình.
Bài và ảnh: Thành Lân