Vài năm trở lại đây, Đà Nẵng chứng kiến sự phát triển ồ ạt của mạng lưới dịch vụ tài chính ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 55 chi nhánh ngân hàng (NH) cấp 1 và hơn 200 phòng, điểm giao dịch, Quỹ tiết kiệm. Ngoài ra còn có trên 10 đại lý, chi nhánh công ty chứng khoán, các tổ chức cho thuê tài chính, công ty mua bán nợ... Việc có mặt của hầu hết các NH trên cả nước tại Đà Nẵng, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của thành phố đối với các tổ chức tài chính tín dụng (TCTD).
Khách hàng giao dịch ở một phòng giao dịch mới mở của NH Việt Nam Tín Nghĩa. |
Chỉ riêng trong vòng 4 năm, từ năm 2005-2010, có trên 30 NH trong và ngoài nước đến mở chi nhánh tại Đà Nẵng, trong đó có nhiều NH liên doanh với nước ngoài. Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN Việt Nam, hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã có mặt đầy đủ các NHTM thuộc mọi thành phần kinh tế (Nhà nước, cổ phần, liên doanh, chi nhánh nước ngoài…), với quy mô hoạt động mở rộng, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thật không quá lời khi rất nhiều ý kiến có cùng nhận định: Đà Nẵng là đất lành của các NH, khi nơi đây có sự góp mặt của hầu hết các NH.
Đặc biệt, với sự góp mặt của 4 NH liên doanh là Việt - Thái, VID Public, Indovina, Việt - Nga và mới đây nhất là HSBC, làm cho thị trường tài chính Đà Nẵng thêm khởi sắc. Các NHTM đã bám chặt vào từng địa bàn, từng dự án và trở thành người trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân và hộ kinh doanh. Việc các NH liên tục mở chi nhánh tại Đà Nẵng đã đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng.
Khách hàng có nhiều sự lựa chọn, phong phú về nguồn vốn, tạo cơ hội rộng hơn cho các doanh nghiệp được tiếp cận vốn cũng như người dân được hưởng các dịch vụ tài chính hiện đại hơn. Tất cả các NHTMCP Đà Nẵng đều phát triển mạng lưới ra các địa phương khác trên khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Và Đà Nẵng đang từng bước trở thành trung tâm dịch vụ - tài chính của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Có một thực tế là NH mới thành lập có tốc độ phát triển mạng lưới các phòng giao dịch nhanh. NHTMCP có tốc độ phát triển mạng lưới nhanh hơn NHTM Nhà nước hoặc MHTM Nhà nước cổ phần hóa. Các NHTM đang có chuyển biến nhanh từ mô hình NH truyền thống sang mô hình NH hiện đại và đa năng. Cấu trúc nhiều NH được chuyển theo mô hình tổ chức hướng đến khách hàng, phát triển sản phẩm và các sản phẩm hỗ trợ; tập trung vào thị trường bán lẻ với các hoạt động kinh doanh bán lẻ và triển khai mạnh các hoạt động dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ cao, hiện đại như: ATM, homebanking, internet banking…
Bên cạnh việc đa dạng và chuyên môn hóa cao các sản phẩm tín dụng, cải tiến, đơn giản thủ tục cho vay với mức lãi suất linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, nhiều NHTM đã chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng tín dụng. Kết quả cho thấy, tổng nguồn vốn huy động và tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh NHTM tăng trưởng liên tục, bình quân gần 18%/năm, đã tạo đà và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, mở rộng các dịch vụ NH. Lợi nhuận của các NH cũng tăng nhanh qua từng năm, nhiều NH đạt lợi nhuận lớn, như: Ngoại thương, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Á Châu, Kỹ thương, Quân đội...
Nhìn chung, tiềm năng và môi trường kinh doanh dịch vụ này còn rất lớn và phong phú. Vì vậy, dù không có một tỷ lệ chuẩn tối ưu nào giữa số lượng người dân và số lượng NH, nhưng các nhà phân tích kinh tế đều nhận thấy rằng, một nền kinh tế có nhiều hơn số lượng NH hoạt động lành mạnh trên số dân cư sẽ có cơ may phát triển nhanh hơn. Hy vọng Đà Nẵng sẽ còn thu hút nhiều hơn nữa các NH đến hoạt động.
Bài và ảnh: Thành Lân