.

Đà Nẵng đón chờ dịch vụ tài chính đẳng cấp quốc tế

.

Với sự phát triển đầy ấn tượng trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Danh sách các nhà đầu tư đang ngày càng dài ra, với các tên tuổi lớn như VinaCapital, Indochina Capital, Hoàng Anh Gia Lai, Daewon… Và Đà Nẵng đang chờ đón những tên tuổi hàng đầu trong ngành tài chính - ngân hàng để cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Mô tả ảnh.
Chi nhánh HSBC tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng đã và đang tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam, thông qua các cuộc bình chọn về Chỉ số cạnh tranh tỉnh thành hằng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện. Tính đến tháng 5-2010, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đà Nẵng đạt gần 2,7 tỷ USD và vốn thực hiện ước đạt 1,3 tỷ USD với 99 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.

Có thể nói hai yếu tố chính thu hút nhà đầu tư đến với Đà Nẵng chính là bộ máy hành chính chuyên nghiệp và cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện. Thành phố Đà Nẵng là một đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước với hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ, đường sắt Bắc Nam đã phát triển hoàn chỉnh và thuận lợi. Cảng Đà Nẵng là cảng thương mại lớn thứ ba ở Việt Nam sau Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng và Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay tốt nhất của Việt Nam.

Hệ thống đường giao thông trong và ngoài thành phố không ngừng được mở rộng và xây mới, làm thay đổi gần như hằng ngày diện mạo của một đô thị thuộc loại sầm uất nhất ở miền Trung Việt Nam. Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây dài 1.450km kết nối ba nước Myanmar, Thái Lan và Lào với Việt Nam, mà điểm cuối tại Việt Nam của tuyến hành lang nổi tiếng này chính là Cảng Đà Nẵng. Và một lợi thế không dễ gì có được, là Đà Nẵng nằm ở trung tâm của “Con đường di sản thế giới”, giúp du khách từ đây có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và thuận lợi 4 trong số 5 di sản thế giới ở Việt Nam – gồm Phong Nha – Kẻ Bàng, cố đô Huế, Hội An và Mỹ Sơn.

Ngành dịch vụ sẽ là đòn bẩy kinh tế

Ở bất kỳ quốc gia nào, ngành tài chính-ngân hàng cũng là dịch vụ xương sống, là đòn bẩy mạnh mẽ nhất cho sự phát triển kinh tế. Không chỉ các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang mong muốn được tiếp cận với dịch vụ tài chính doanh nghiệp đa dạng và tiêu chuẩn quốc tế, du khách và người dân tại đây cũng luôn chờ đợi sự đột phá trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân.

Thấu hiểu điều này, Ngân hàng HSBC - ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay xét về mạng lưới, chủng loại sản phẩm, số lượng khách hàng, số lượng nhân viên đã chính thức khai trương chi nhánh Đà Nẵng vào ngày 30-9-2010. Ông Thomas Tobin, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định: “Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tao động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Do đó, việc mở thêm chi nhánh tại Đà Nẵng chính là một bước đi chiến lược của HSBC Việt Nam trong cam kết họat động lâu dài của chúng tôi tại Việt Nam. Các khách hàng của chúng tôi tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói chung giờ đây có thể dễ dàng tiếp cận với mạng lưới ngân hàng toàn cầu và trong nước của HSBC”.

Tập đoàn HSBC được BrandFinance® Global Banking 500, một ấn phẩm của tạp chí tài chính Brand Finance, bình chọn là thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất thế giới ba năm liền (2007, 2008 và 2009), ngoài ra, Ngân hàng HSBC Việt Nam (ngân hàng con 100% vốn nước ngoài của HSBC) cũng 5 năm liền được tạp chí FinanceAsia bình chọn là “Ngân hàng nước ngoài tốt nhất Việt Nam (từ 2006-2010). Sự có mặt của HSBC không chỉ góp phần tăng cường quảng bá sức hấp dẫn của Đà Nẵng đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn hứa hẹn mở ra một thời kỳ sôi động hơn cho thị trường tài chính-ngân hàng tại thành phố này.

Với mạng lưới kết nối toàn cầu 8.000 chi nhánh tại hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 140 năm kinh nghiệm cung cấp các gói giải pháp tài chính toàn diện và tiện lợi, có thể nhận thấy HSBC chiếm nhiều ưu thế trong việc tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tìm hiểu môi trường kinh doanh quốc tế, đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới đồng thời kêu gọi đầu tư nước ngoài vào mô hình kinh doanh hiệu quả tại các doanh nghiệp này. Ngoài ra, khách hàng cá nhân tại Đà Nẵng giờ đây có thể tận hưởng tất cả những tiện ích của các sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân tiên phong theo chuẩn mực quốc tế của HSBC như các khách hàng cá nhân khác tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Cần Thơ.

Việc góp mặt của HSBC tại Đà Nẵng vào thời điểm này cũng rất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng là chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng dần tỷ trọng ngành dịch vụ. Ở thời điểm hiện tại, thành phố đang đặt mục tiêu ngành dịch vụ sẽ đóng góp 49,1% vào GDP, công nghiệp 47,5% và nông nghiệp 3,4%. Tuy nhiên trong vòng 10 năm tới, tỷ trọng GDP của ngành dịch vụ dự kiến sẽ được nâng lên 55,7%, công nghiệp 42,7% và nông nghiệp 1,6%. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, du lịch… được kỳ vọng sẽ là vận động viên dẫn đầu trong cuộc chạy đua tiếp sức để giúp đưa Đà Nẵng về đích đúng hẹn.

Phương Mai

;
.
.
.
.
.