.

"Bơm" ngoại tệ để hạ nhiệt tỷ giá

.

Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khoảng 6-7 tuần nhập khẩu. Ảnh: VnEconomy

(ĐNĐT) - Thường trực Chính phủ quyết định không điều chỉnh tỷ giá mà sẽ tăng cường "bơm" ngoại tệ ra thị trường. Thị trường ngay lập tức đã có phản ứng khi giá vàng và USD quay đầu giảm nhiệt.

Ngày 4-111, ông Lê Đức Thủy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết  Thường trực Chính phủ trong buổi họp tối muộn hôm qua (3-11) đã quyết định sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho các hoạt động sản xuất cần thiết chứ không lựa chọn các giải pháp khác như điều chỉnh tỷ giá hay biên độ.

Quyết định của Thường trực Chính phủ được đưa ra sau khi tỷ giá là vấn đề thời sự nóng trong những ngày vừa qua.Tỷ giá trên thị trường tự do ngày 3-11 khoảng 21.000 đồng/USD, cách xa giá trên thị trường chính thức là 19.500 đồng/USD mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố.

Theo TTXVN, Thường trực Chính phủ nhận định việc điều chỉnh tỷ giá lúc này không có lợi, có thể tác động dây chuyền lên các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất là lạm phát. Các biện pháp như tăng tỉ giá trung tâm, nới rộng biên độ không được tính tới. 

Các căn cứ để Chính phủ quyết định giải pháp mạnh tay này là biến động tăng của tỷ giá đang diễn ra do yếu tố tâm lý, kỳ vọng của người dân; giá vàng tăng cao; doanh nghiệp có thời điểm vay ngoại tệ lớn quá nhu cầu, bán ra trên thị trường. Các khoản vay này đến hạn và phải mua lại.

Ông Thúy cho biết, để thực hiện chủ trương giữ ổn định tỷ giá, Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bán đầy đủ USD ra thị trường, đồng thời, không thực hiện yêu cầu giảm lãi suất đối với các ngân hàng thương mại. Đây là hai trong gói các biện pháp nhằm bình ổn thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 9 Ngân hàng Nhà nước đã mua tăng 300 triệu USD, tháng 10 bán 200 triệu USD. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng biện pháp này chưa đủ mạnh và khẳng định phải có chính sách can thiệp đủ mạnh, chẳng hạn như cấp đủ ngoại tệ cho nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón... để ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.

Vấn đề được dư luận quan tâm là với biện pháp can thiệp này, liệu ngân hàng trung ương có thể “cầm cự” được trong bao lâu. VnEconomy dẫn lời đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: “Tình huống hiện tại không đến mức phải gọi là cầm cự. Các yếu tố vĩ mô trong nước cũng như xu hướng mất giá của USD trên thế giới cho thấy việc USD trong nước tăng chỉ là áp lực tâm lý tạm thời. Việc người dân rút tiền Việt ra mua USD, vàng đã tạo nên cơn sốt. Nếu can thiệp đủ mạnh tình huống có thể đảo ngược”. 

Giá vàng, USD náo loạn

Phản ứng trước quyết định của Chính phủ, giá vàng và USD chiều 4-11 đồng loạt giảm nhiệt, nhưng với diễn biến khá phức tạp, theo VnEconomy.

Theo đó, giá vàng được các doanh nghiệp niêm yết ở mức trên 33,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và quanh 34,1 triệu đồng/lượng (bán ra). So với mức đỉnh 34,3 triệu đồng lượng ghi nhận vào buổi trưa, giá vàng đã giảm hơn 100.000 đồng mỗi lượng.

Trước đó, vào lúc đầu giờ chiều, giá vàng đã vàng đã rớt một mạch 500.000 đồng mỗi lượng, xuống 33,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau đó, khi thị trường quay lại với xu hướng mua và giá vàng thế giới tăng tốc, giá vàng nhanh chóng bật dậy và giành lại mốc giá 34 triệu đồng/lượng.

USD thị trường tự do chiều nay cũng nhanh chóng sụt giá, trong khi giới kinh doanh thể hiện rõ thái độ thận trọng. Ngay sau khi các báo đưa tin Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp thị trường ngoại hối căng thẳng, phải can thiệp đủ mạnh, cung ngoại tệ ra để bình ổn, giá USD thị trường tự do đã bắt đầu có dấu hiệu giảm, nhưng không giảm mạnh ngay. Giá USD tự do giảm về mức 20.600 - 20.950 đồng/USD, từ mức 21.050 USD vào buổi sáng.

ĐNĐT

;
.
.
.
.
.