Việc giá vàng lên cơn sốt mấy tháng trước đây và mấy ngày đầu tháng 11-2010 được cho là mốc tăng giá đột biến nhất trong vòng vài chục năm qua. Với đợt tăng giá vừa qua, giá vàng đã đạt mức giá kỷ lục cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Cũng giống như cơn sốt giá vàng lần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay lập tức cho nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Vàng tăng giá khiến giao dịch tăng mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Văn Lý |
Động thái này đã có tác động tích cực đến thị trường vàng trong nước. Các nhà đầu tư vàng cho biết sau khi được phép nhập khẩu, nguồn cung vàng đã được cải thiện, tâm lý muốn nắm giữ vàng không còn, nên sức mua giảm hẳn, cùng với đà đi xuống của giá vàng thế giới khiến vàng trong nước rớt không phanh. Ngày 17-11, giá vàng thế giới giảm thêm 22 USD/ounce, xuống còn 1.335 USD/ounce. Cùng thời điểm, vàng SJC mất thêm 500.000 đồng/lượng, xuống còn 34,44 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu tính từ ngày 9-11 (vàng SJC có giá 38,9 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới 1.425 USD/ounce) đến nay thì giá vàng trong nước đã giảm hơn 4,5 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới rớt liền mạch 100 USD/ounce. Mặc dù vẫn tăng 24% kể từ đầu năm đến nay, nhưng chỉ riêng tuần qua, giá vàng đã giảm khoảng 4% theo làn sóng bán tháo chốt lời trên thị trường.
Thật khó xác định được hướng đi của giá vàng trong thời điểm hiện tại. Một nhà đầu tư vàng lâu năm cho biết: Nếu so sánh với thị trường thế giới thì giá vàng trong nước luôn cao hơn ở thị trường thế giới. Tuy nhiên, có thời điểm giá vàng trong nước lại sụt giảm mạnh, trong khi giá thế giới lại tăng nhẹ. Mặt khác, nhiều lúc thị trường thế giới đang giảm thì thị trường trong nước giá vàng lại tăng đột ngột theo đà mua vào của người dân. Khi vàng đã vượt qua mức cản 1.420 USD/ounce, giới đầu tư nhanh tay chốt lời nên giá vàng trong những ngày gần đây liên tục đi xuống. Thế nhưng đến một thời điểm nào đó sẽ có những nhà đầu tư khác “nhảy” vào mua, giá vàng sẽ ngừng giảm. Nhà đầu tư này cho biết thêm: Theo giới phân tích, vàng thường được lợi từ việc các nhà đầu tư giảm nhu cầu mua vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn, nhưng vẫn thường bị cuốn vào vòng xoáy suy giảm, khi giới đầu tư tìm cách hạn chế mọi thiệt hại trong danh mục đầu tư.
Ngoài ra, nếu xu hướng giá vàng lặp lại lịch sử như năm 1979-1980 thì dự báo khả năng giá vàng vẫn còn một nhịp tăng nữa trước khi bắt đầu chu kỳ mới. Điều này cũng phù hợp với đồ thị phân tích kỹ thuật. Việc giá vàng bất ngờ quay đầu giảm mạnh trong tháng 12-2009 chính là nhịp điều chỉnh phù hợp với lý thuyết thị trường cân bằng trong thị trường tài chính. Theo lý thuyết này, khi giá càng rời xa điểm cân bằng thì một khi điều chỉnh quay về điểm cân bằng sẽ càng mạnh.
Tuy nhiên, không chỉ có nhà đầu tư mà cả những nhà hoạch định chính sách cũng đang “đau đầu” với giá vàng. Tất cả đang cố gắng cân đong, tìm cho được điểm đột phá cho các chính sách: Vàng, tỷ giá, hay lãi suất? Giá vàng thế giới và trong nước liên tục đi xuống, nhiều người băn khoăn không biết thời điểm nào vàng sẽ ngừng giảm giá. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo xu hướng thị trường vàng trái ngược nhau. Nhiều ý kiến cho rằng “bong bóng” vàng có thể sắp vỡ tung, khi tình hình khủng hoảng nợ tại châu Âu đang dịu đi, đồng thời Trung Quốc đang tăng yêu cầu tỷ lệ dự trữ vốn tại các ngân hàng lên 0,5% nhằm giảm áp lực lạm phát, kết hợp với nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu hồi phục là những yếu tố sẽ khiến cho giá vàng giảm dần, trở về đúng với giá trị thực của nó.
Thành Lân