Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận đề xuất giãn lộ trình tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng đối với các ngân hàng thương mại đến 31-12-2011; thay vì 31-12-2010. Thủ tướng cũng giao các Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các cơ quan liên quan trình bản sửa đổi, bổ sung Nghị định 141/2006/NĐ-CP theo hướng trên. Đây được xem là động thái nhằm giảm bớt áp lực về thời hạn tăng vốn đối với các tổ chức tín dụng có quy mô hoạt động nhỏ và chưa đáp ứng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cũng đã hoàn thành việc tăng vốn. |
Hiện còn gần 20 ngân hàng chưa hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng là: Ngân hàng Phát triển nhà TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn Công thương Ngân hàng, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng Gia Định, Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Phương Tây, Ngân hàng Đại Tín, Ngân hàng Đại Á, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Bảo Việt…
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết: Sở dĩ có nhiều NH cho đến lúc này vẫn chưa huy động đủ vốn điều lệ là do trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân khách quan đã ảnh hưởng đến việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại, như thị trường chứng khoán trầm lắng, thị trường bất động sản, thị trường vàng biến động với chiều hướng tăng nên thu hút một lượng lớn tiền vào đây. Mặt khác, nhiều ngân hàng dồn dập tăng vốn cùng thời điểm dẫn đến cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn, không thu hút được cổ đông. Trong khi đó, Chính phủ có chủ trương hạn chế các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành, phần nào cũng đã ảnh hưởng đến lộ trình tăng vốn của các ngân hàng cổ phần.
Nghị định số 141/2006/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định và lộ trình tăng vốn điều lệ đối với từng loại hình tổ chức tín dụng để bảo đảm mức vốn pháp định này. Theo đó, các tổ chức tín dụng có thời gian 4 năm để thực hiện việc tăng vốn điều lệ với 2 giai đoạn, giai đoạn 1 kết thúc vào ngày 31-12-2008 và giai đoạn 2 kết thúc vào ngày 31-12-2010. Việc tăng vốn gắn với nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng và thị trường tài chính trong nước có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tăng vốn này.
Đồng thời, trong bối cảnh thị trường tài chính đầy khó khăn như hiện nay, việc tăng vốn quả rất gian nan. Trong thời gian qua, tất cả các tổ chức tín dụng đã và đang rất nỗ lực để hoàn thành việc tăng vốn điều lệ theo đúng lộ trình quy định của Chính phủ. Nhiều tổ chức tín dụng đã thể hiện được khả năng hoàn thành việc tăng vốn đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, quá trình tăng vốn điều lệ đã chịu tác động từ một số nguyên nhân khách quan, trong đó có sự phân hóa rõ rệt về năng lực hoạt động mà chủ yếu lại bắt nguồn từ năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng có quy mô vốn nhỏ.
Việc sàng lọc để duy trì các tổ chức tín dụng mạnh về tài chính, có khả năng quản trị điều hành để tồn tại vững vàng trên thị trường, loại bỏ những nhân tố yếu kém là một trong những mục tiêu dài hạn mà ngành ngân hàng và Chính phủ đặt ra.
Bài và ảnh : Phương Uyên