.

Gánh nặng lãi suất - doanh nghiệp ngại đầu tư

.

Ngay từ đầu năm 2011, những dao động khá mạnh về lãi suất (LS), tỷ giá, giá đầu vào... đã làm cho không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất ngần ngại cho kế hoạch phát triển kinh doanh của mình.

“Choáng” với LS

 

khach_hang.jpg
Khách hàng đến tìm hiểu thông tin và vay vốn  tại Techcombank Đà Nẵng.

Từ giữa tháng 1-2011 đến nay, tuy các khoản vay mới giải ngân chưa nhiều, song một số ngân hàng (NH) đã gửi thông báo tăng lãi đến các khách hàng vay. Lãi vay hiện tại ở không ít NH đã được đẩy lên đến 16 - 18%/năm, thậm chí có một số NH đã đưa lên xấp xỉ 20%/năm. Trước mức LS này, nhiều DN cho rằng: Không dại gì đầu tư, mở rộng sản xuất vì nếu đầu tư vào thời điểm này chẳng khác nào đi làm thuê cho NH. Tuy nhiên, cũng không ít DN buộc phải vay bởi sức ép đơn hàng, áp lực đầu tư nhà xưởng thúc giục, đành phải... “nhắm mắt” đi vay. Giám đốc một DN chuyên sản xuất giấy tại KCN Liên Chiểu cho biết công ty đang phải chịu mức LS vay từ NH liên doanh lên đến trên 18%/năm. Cũng theo DN này, sở dĩ DN phải chấp nhận vay mức LS trên là do công ty đang trên đà mở rộng phân xưởng sản xuất, nên không thể tạm ngưng được. “Tôi cũng nhìn thấy cơ hội làm ăn mở ra trong năm 2011 nhưng phải thừa nhận, với mức LS như hiện nay thì DN khó có lãi”, giám đốc DN này khẳng định.

Ngoài LS cao, năm 2011 còn là năm đầy khó khăn, biến động khi tỷ giá tăng cao, nguyên vật liệu tăng giá và việc bảo đảm kế hoạch lợi nhuận đề ra là một thách thức không nhỏ cho DN. Theo ghi nhận của phóng viên, với mức LS phổ biến là 17 - 18%/năm, chưa kể các chi phí khác cho các khoản vay, gồm phí chính thức như hồ sơ bảo đảm tiền vay, công chứng, phí kiểm định… làm cho chi phí vay cao hơn mức thực tế mà các NH đưa ra. Vì thế hầu hết các DN sản xuất đều cho rằng: Nếu đầu tư vào lúc này chỉ có “rước họa vào thân”.

Khó giảm LS?

Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó giảm LS từ nay đến hết quý 2-2011 vì nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, tìm nguồn vốn giá rẻ lại là chuyện gần như không tưởng. Cũng vì LS quá cao, đã có không ít  DN buộc phải co cụm sản xuất, tạm ngưng tất cả các dự án mới cần đến nguồn vốn trung - dài hạn là cách khả dĩ nhất trong tình hình khó khăn này. Ông L.V.S, giám đốc một DNTN chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ ở KCN Hòa Khánh nhận định: Trong năm 2011, cơ hội làm ăn mở rộng với nhiều khách hàng mới, thị trường mới, DN chưa kịp hăm hở thì NH đã “dội nước lạnh” bằng mức LS gây sốc.

Ông S. cũng cho biết hiện DN của ông đang phải chịu LS 18,5%/năm từ một NH cổ phần với khoản vay 2 tỷ đồng. LS liên tục tăng từ cuối năm 2010 đến nay và hiện đã lên gần 19%/năm. Với mức này, mỗi năm DN phải trả gần 400 triệu đồng tiền lãi, trong khi đó sản xuất - kinh doanh vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, giá nguyên liệu, công nhân… tăng liên tục dẫn đến giá sản phẩm tăng, sức mua yếu... Như vậy nếu không tính toán kỹ, DN chỉ có lỗ. Trong khi nhiều DN “rụt rè” với LS ngân hàng và biến động của thị trường trong những tháng đầu năm, thì cũng có không ít DN lại có thái độ khá bình thản về tình hình LS.

Ông Lê Tam, giám đốc một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa trên địa bàn quận Liên Chiểu cho rằng:  Sau nhiều lần đối diện với khủng hoảng và sự trồi sụt bất thường của tỷ giá, LS… nhiều DN cũng vượt qua để đứng vững và phát triển. Với LS cao như hiện nay, chúng tôi chọn cách dừng lại toàn bộ kế hoạch đầu tư, mở rộng và giảm phụ thuộc nguồn vốn vay NH để đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay, sau đó mới quyết định đầu tư. Trong năm 2011, DN không chỉ phải đối mặt với LS cao, mà sắp tới chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như tăng giá điện, thiếu điện, tỷ giá tăng dẫn đến giá nguyên liệu tăng..., đầu vào cao dẫn đến đầu ra tăng giá và như vậy DN Việt Nam khó mà đứng vững nổi trước làn sóng cạnh tranh của hàng nhập khẩu giá rẻ. “Để cứu lấy mình, DN phải sử dụng vốn hiệu quả và tiết kiệm chi phí; chọn lọc những dự án có khả thi và mang lại hiệu quả cao”, ông Tam phân tích. 

Tính đến thời điểm này, đã ít nhất ba lần các NHTM đưa ra đồng thuận trần LS huy động (tại các mức 11%, 12%/năm), và lần gần đây nhất, giữa tháng 12-2010, các NHTM đã lại đồng thuận trần LS huy động 14%/năm. DN hy vọng rằng, việc hạ LS đầu vào sẽ là cơ sở để NH giảm LS đầu ra. Thế nhưng trên thực tế, LS ngân hàng vẫn đang “dậy sóng” trong thời gian gần đây. Vậy một câu hỏi được đặt ra: LS đầu ra ở “nhà băng” liệu có giảm trong thời gian đến? Câu hỏi này đang trông chờ vào các giải pháp thiết thực từ phía Nhà nước và các NH.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.