Liên tục trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng (NH) đã tăng lãi suất ( LS) huy động USD ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Điều này khiến cho thị trường huy động tiết kiệm vốn đã căng thẳng trong dịp đầu năm 2011 thêm nóng bỏng.
Đầu tiên là các NHTMCP và sau đó, nhiều NH lớn cũng vào cuộc huy động USD với LS trên mức 6%/năm, thậm chí có NH đã niêm yết mức huy động lên đến 6,2%/năm. Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc NH Việt Nam Thương Tín (VIETBANK), một trong những NH có mức huy động LS USD cao nhất hiện nay cho biết: Đối với VIETBANK, việc huy động USD chỉ nhằm phục vụ nhu cầu vay chính đáng của khách hàng. Trong năm 2010, với mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, thanh khoản VND của VIETBANK luôn được bảo đảm tốt. Mặc dù có thông tin cho phép các NHTM lùi thời hạn tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng tới 31-12-2011, nhưng trong thời gian cuối năm 2010, đầu năm 2011, nhiều khách hàng của VIETBANK có nhu cầu vay USD.
LS huy động USD đã tăng khá cao ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. |
Việc VIETBANK tăng LS huy động USD nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mục đích vay của khách hàng tập trung vào các ngành nghề nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. LS huy động USD ở nhiều NH tăng khoảng 0,5%/năm, chủ yếu đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng. LS huy động phổ biến ở mức: Không kỳ hạn từ 0,2 - 0,5%/năm, dưới 12 tháng từ 3,5 - 5,5%/năm, trên 12 tháng từ 4,8-5,6%. Mức LS huy động cao nhất là 6,24%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng của NHTMCP Nam Việt. LS cho vay USD cũng đã tăng 0,3 - 0,5%/năm. Hiện nay, LS cho vay phổ biến ở mức 5,6 - 6,6%/năm đối với ngắn hạn, 6,2 - 8%/năm đối với trung và dài hạn.
Tại Ngân hàng Nam Việt (Navibank), LS USD lên tới 6,24%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng; các kỳ hạn 6 - 9 tháng tùy vào số lượng tiền gửi LS lên mức 6,14%. Một số NHTM như Việt Á, Phương Tây… nâng LS huy động USD kỳ hạn từ 3 tháng trở lên từ 5,5% đến 6,1%. Mức LS huy động USD phổ biến của các NH có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng như NHTMCP Phương Tây, Đại Á, Việt Á... từ 5% - 5,5%/năm. Tại các NHTM lớn như: Á Châu (ACB), Xuất nhập khẩu (Eximbank)... mức LS huy động USD ngấp nghé gần 5%/năm. Có thể thấy, việc LS USD tăng có vẻ như giúp cho thị trường ổn định hơn trong ngắn hạn, nhưng có một nghịch lý, trong khi khắp thế giới, LS đồng USD chỉ vài phần trăm/năm, ngay cả ở Mỹ thì cũng chỉ 1%/năm, còn ở Việt Nam lại tới 6%/năm.
Theo các chuyên gia tài chính, việc các NH nâng mức LS huy động USD là do các NH có vốn điều lệ thấp gặp trở ngại về thanh khoản ngắn hạn sau khi Thông tư 13 của NHNN yêu cầu các NH chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay. LS huy động USD tăng liên tục từ tháng 6-2010 đến nay còn xuất phát từ sự mất cân đối giữa giá trị huy động và cho vay ngoại tệ của toàn bộ hệ thống ngân hàng. LS USD tăng còn liên quan tới câu chuyện thanh khoản VND của các NH. Do NH khống chế trần LS huy động VND là 14%/năm nhưng không khống chế LS huy động USD, cho nên không nhất thiết phải nắm giữ VND thì mới giải quyết được thanh khoản. Bởi lẽ, nắm USD rồi chuyển hóa thành VND thì vẫn giữ thanh khoản như thường.
“Việc tăng LS huy động USD và chuyển đổi sang VND không phải là một giải pháp cơ bản. Việc chuyển đổi từ nguồn USD huy động sang VND có thể gặp nhiều rủi ro về tỷ giá và LS”, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết thêm.
Bài và ảnh: Thành Lân