.

Siết chặt thị trường vàng miếng?

.
Ngày 15-3, trong phiên làm việc của Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết 11 về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định cần dứt khoát thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.
 
Mô tả ảnh.
Nhiều người chọn mua vàng trang sức thay cho vàng miếng.
Chủ trương này cũng được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu trình phương án thực hiện trong quý 2 năm nay. Lộ trình trên nhiều khả năng sẽ được vạch ra một cách rõ ràng tại dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng miếng mà NHNN đang hoàn tất. Theo tinh thần của Nghị định này, quyền nắm giữ vàng miếng của người dân vẫn được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, các cá nhân chỉ có thể bán cho NHNN hoặc các đầu mối do cơ quan này chỉ định, mà không được phép mua lại. Thông tin trên cũng gây nhiều xôn xao trong giới đầu tư, doanh nghiệp lẫn người dân đang cất giữ vàng.

Lâu nay, tâm lý của người dân thường cất giữ vàng miếng, bởi vàng miếng vẫn là phương tiện đầu tư tích trữ lý tưởng, nhất là khi về mặt dài hạn, vàng vẫn có triển vọng tăng giá. Theo các số liệu thống kê cho thấy, lượng vàng trong dân rất lớn, ước lên tới 500 tấn. Cho nên, để tránh tạo ra cú sốc cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng, mà nên quy định điều kiện kinh doanh vàng miếng để góp phần giảm dần các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể, cũng như mua lại vàng cất giữ ở trong dân.

Được biết, để thực hiện chủ trương tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, NHNN sẽ là đầu mối thu mua vàng miếng trong dân thông qua hệ thống các đơn vị được chỉ định. Tuy nhiên, với không ít người dân, việc cất giữ vàng miếng hay vàng trang sức cũng đều giống nhau. Bà Nguyễn Thị Bốn, một người về hưu có tích cóp được vài lượng vàng để lo hậu sự của mình, cho biết: “Nếu Nhà nước cấm mua bán vàng miếng thì tôi đem vàng miếng ra tiệm quy đổi ra vàng trang sức để cất, việc này đâu có khó, thậm chí đổi ra USD cất giữ cũng tốt”. Nhiều người dân cũng có ý định như bà Bốn. Đây cũng chính là một trong những thách thức lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.
 
Do tâm lý mua vàng tích trữ đề phòng giá cả biến động đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen của người dân. Mặt khác, trong nhiều năm qua, chính sách quản lý vàng của Nhà nước tương đối thông thoáng, việc mua bán vàng miếng, nữ trang khá thuận lợi, càng tăng thêm tâm lý muốn giữ vàng của người dân. Vì thế việc huy động mua vàng của người dân sẽ không dễ dàng, nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, chính trị thế giới thiếu ổn định, lạm phát của nhiều nước gia tăng...

Song, trước những biến động của thế giới như tỷ lệ lạm phát bùng nổ ở nhiều quốc gia, bất ổn chính trị ở Trung Đông ngày càng lan rộng, động đất, sóng thần tại Nhật Bản... người dân tìm đến giải pháp tích trữ vàng như một phương tiện bảo đảm tài sản. Ngay tại các cường quốc có nền kinh tế hùng hậu như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn liên tục tích trữ vàng trong ngân khố quốc gia. Và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, từ năm 1993 đến đầu năm 2010, tích trữ vàng của Việt Nam là 1.072,1 tấn. Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan và NHNN, từ năm 1998 đến tháng 9-2010, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 339,86 tấn và xuất khẩu 268,86 tấn vàng. Đáng chú ý, 90% vàng nhập vào Việt Nam hằng năm cho mục đích dự trữ tài sản của dân. Vì thế việc xuất hiện vàng miếng ở Việt Nam là kết quả tất yếu của xu thế hội nhập và tiếp cận loại hình kinh doanh vàng vật chất tiên tiến của thế giới.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng: Nếu cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do thì Chính phủ cần xem xét mở rộng kinh doanh vàng trên tài khoản, một khi thị trường vàng trong nước và thế giới liên thông sẽ góp phần thu hẹp thị trường vật chất. Hiện tại, thị trường vàng Việt Nam 100% là giao dịch vàng vật chất. Còn một khi cấm hẳn kinh doanh vàng miếng, người dân sẽ chuyển thành vòng, nhẫn hay các hình khối khác, chi phí xã hội còn cao hơn mà chất lượng, trọng lượng càng khó kiểm soát.

Việc mua vàng miếng cũng chỉ là một hoạt động kinh tế-xã hội bình thường. Nó chỉ bất thường là do thời gian qua, việc xuất nhập khẩu vàng còn bị hạn chế nên chủ yếu dựa vào hoạt động nhập lậu. Như vậy, việc chấn chỉnh lại thị trường vàng theo hướng có tổ chức là hướng đi đúng và phải có phương án khai thông, biến số tài sản này thành nguồn vốn đầu tư là việc cần làm nhất hiện nay.

Bài và ảnh: Thành Lân
;
.
.
.
.
.