.

Khó vì lãi vay

.
Trong thời gian này, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp (DN) đều lắc đầu ngao ngán trước tốc độ tăng lãi vay ngân hàng (NH).  Dù NHNN đã áp trần lãi suất huy động 14% từ giữa tháng 3 nhưng một số ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn huy động ngầm với mức 17 - 18%. Vì vậy lãi suất cho vay ở hầu hết các NH tăng lên 21 - 22%, thậm chí là 23 - 24% đối với cho vay tiêu dùng, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Mô tả ảnh.
Doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì lãi suất cho vay cao.
 
Theo tính toán, với mức lãi suất này, giỏi lắm DN cũng chỉ đủ hòa vốn chứ đừng nói đến lời. Cho nên không ít DN chọn kiểu làm cầm chừng đến đâu hay đến đó. Lãi suất liên tục tăng từ đầu năm đến nay khiến chỉ tiêu kinh doanh ở các DN gần như bị lỗ. Với lãi suất cao như hiện nay, có chăng là DN bất động sản hoặc giới buôn tiền (vay để rồi cho vay ngoài thị trường chợ đen) mới chịu nổi. Riêng khối DN bất động sản, xây dựng thì buộc phải vay vì dự án đang trong quá trình triển khai, phải hoàn thành để được thanh toán khối lượng hoặc có cơ sở hạ tầng để bán đất. Còn DN sản xuất kinh doanh nếu có vay cũng chỉ để duy trì sản xuất ở mức rất hạn chế, không dám vay vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư thêm vào lúc này.

Lãnh đạo một công ty đầu tư bất động sản cho hay, “rất khó tìm vốn trong thời điểm này, mặc dù đơn vị đã đi gõ cửa không ít các tổ chức tín dụng, nhưng ở đâu cũng đưa ra mức trên 22%. Trước tình hình này, người thực sự có nhu cầu vay tiền như chúng tôi quá khó tiếp cận nguồn vốn vay, điều này dẫn đến hệ quả sản xuất của nhiều DN co hẹp và chậm lại. Nếu các NH đẩy lãi suất huy động lên tiếp mức 18-19% thì lãi suất cho vay khó có thể dừng ở mức 22% mà chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Đây là mức lãi suất quá cao đối với các DN sản xuất, trở thành vấn đề thực sự nan giải đối với DN”.

Để thích ứng với điều kiện kinh doanh khó khăn hiện nay, đặc biệt là giải quyết vấn đề vốn, các DN không chỉ cắt giảm chi phí sản xuất mà còn cơ cấu lại danh mục sản phẩm. Bên cạnh đó, các DN còn tính đến phương án ngừng đầu tư mới trang thiết bị, máy móc hiện đại. Lãnh đạo một công ty TNHH chế biến gỗ tại quận Liên Chiểu cho biết, đang xem xét lại việc tiếp tục hay ngừng đầu tư nâng cấp dây chuyền ép sấy gỗ hiện đại của Đức, mặc dù biết rằng, việc ngưng đầu tư cho một sản phẩm bất kỳ trong chiến lược phát triển cũng sẽ khiến DN gặp bất lợi trong cạnh tranh. Vì vậy, để có thể thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mức độ tăng trưởng của các ngành nghề trong những quý tiếp theo, NHNN cần xem xét và có chính sách ưu đãi vốn cho các DN trong nước, cũng như cần giảm lãi suất cho vay đối với từng trường hợp.

Trên thực tế, chính sách tiền tệ không thể đơn phương đứng ra giải quyết câu chuyện lạm phát và lãi suất, mà phải có sự tham gia quyết liệt của các chính sách đầu tư, tài chính, thể hiện ở việc mạnh tay cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách…

Bài và ảnh: Thành Lân
;
.
.
.
.
.