Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tại các NHTM Nhà nước, TMCP cũng như các tổ chức tín dụng khác theo các Quyết định số 443/QĐ-TTg, Quyết định số 2072/QĐ-TTg; Quyết định số 497/QĐ-TTg; Quyết định số 2213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… trên địa bàn thành phố đạt hơn 1.600 tỷ đồng với số lãi tiền vay hỗ trợ trên 91 tỷ đồng, khoảng vài ngàn doanh nghiệp (DN) và cá nhân được vay vốn hỗ trợ lãi suất.
Kết quả là nhiều DN, cá nhân đã vượt qua khó khăn nhờ vào gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, hiện nay, việc cho vay hỗ trợ lãi suất gần như đi vào thời điểm thu hồi nợ, chỉ còn duy nhất gói cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ, với dư nợ cho vay hơn 260 tỷ đồng và khoảng 2.538 khách hàng được vay.
Có thể thấy những tác động tích cực rõ rệt của gói hỗ trợ lãi suất cho các DN như giúp DN duy trì sản xuất, giảm chi phí, tăng việc làm, tăng thu nhập, nâng khả năng cạnh tranh… Thế nhưng, trong bối cảnh lãi suất cho vay đang tăng cao như hiện nay, cộng với lạm phát, chi phí đầu vào như điện, than, xăng dầu… cũng tăng, khiến không ít DN lao đao. Mặt khác, hiện tại chỉ còn gói cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, nên đối tượng được hưởng lợi từ gói cho vay này trên địa bàn thành phố không nhiều. Chính vì vậy, lãnh đạo của hầu hết các DN khi được hỏi đều mong muốn sớm có thêm gói hỗ trợ lãi suất khác để giúp cho DN tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất thấp.
Ông Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Kỷ Việt cho rằng: Hỗ trợ lãi suất là cách làm chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Nhưng qua thực tế triển khai đã chứng minh đây là một chủ trương đúng đắn, là cách làm kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các diễn biến khủng hoảng tài chính. Chương trình hỗ trợ lãi suất 4%/năm đã phát huy tích cực đối với không ít DN. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất được thực hiện trong ngắn hạn, đối tượng được hưởng không nhiều nên dễ xảy ra việc cho vay không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ chế hỗ trợ lãi suất đã tác động làm tăng trưởng cao tín dụng VNĐ, có sự chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi và tiền vay bằng VNĐ, khó có thể kiểm soát được hiện tượng tiêu cực trong vay vốn, ảnh hưởng không thuận lợi đến lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá. Mặt khác, mối lo ngại về nguy cơ tăng tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng do các DN, hộ sản xuất kinh doanh sử dụng các nguồn vốn vay kém hiệu quả.
Đồng quan điểm này, lãnh đạo Công ty CP Thép DANA-Ý cho rằng: Nên mở rộng cho vay trung và dài hạn và đối tượng vay, kể cả gói cho vay theo Nghị định 41, vì đây là biện pháp nhằm duy trì vững chắc hiệu ứng của các giải pháp đã thực hiện nhằm vực dậy nền kinh tế. Rõ ràng, các dự án đầu tư trung, dài hạn khi được hỗ trợ sẽ giúp các DN yên tâm hơn. Vì vậy, cần có một gói hỗ trợ đệm để DN có thể phục hồi một cách bền vững.
Bài và ảnh: Phương Uyên