.

Hướng đến thị trường tài chính minh bạch, đủ mạnh

.
Thị trường tiền tệ, tín dụng tại thành phố Đà Nẵng hiện nay rất sôi động với sự tham gia của 55 chi nhánh ngân hàng  (NH) trong và ngoài nước và các tổ chức phi tài chính, trong đó có hơn 200 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm... Trong khi một số NH nội chưa kịp tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141 của Chính phủ thì các NH ngoại tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng lần lượt tăng vốn lên 4 - 5 lần so với vốn pháp định, thậm chí có NH còn tăng vốn lên gấp 8 lần so với vốn pháp định. Sự kiện này khiến áp lực cạnh tranh giữa các NH trong thời gian tới sẽ khốc liệt hơn.

Mô tả ảnh.
Các NH nội phải cạnh tranh với các NH ngoại ngay trên “sân nhà”.
 
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ theo đúng mục tiêu đề ra và đã đạt được những kết quả nhất định như ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an toàn cho hệ thống NH. Cho đến nay, tình hình tài chính của các NHTM đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, hiệu quả hoạt động tăng dần, góp phần tăng vốn tự có và trích lập dự phòng rủi ro cũng như đổi mới trang thiết bị công nghệ. Các tổ chức tín dụng cũng đã được củng cố và sắp xếp lại, từng bước lành mạnh hóa tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hầu hết các NHTMCP đạt tỷ lệ an toàn vốn. Tuy nhiên, để đứng vững, các ngân hàng nội còn phải làm nhiều việc, trong đó có sự cạnh tranh với ngân hàng ngoại.

Năm 2011, các NH nước ngoài tại Việt Nam được hưởng chính sách như các NHTM trong nước. Đây là một thử thách lớn đối với các NH nội, nhưng cũng là một điều kiện cần và đủ để sàng lọc NH. Nếu các NH nội không cạnh tranh nổi sẽ tự đào thải. Vì vậy, yêu cầu hiện nay là các NH phải đủ mạnh về mọi mặt. Qua đó nâng cao tính an toàn cho hệ thống NH, để NH có thể huy động vốn với lãi suất thấp hơn, và khi đó có thể bỏ cơ chế trần lãi suất huy động và chấm dứt cuộc đua ngầm về lãi suất như hiện nay. Không dừng ở đó, NH ngoại còn được phép huy động tiền đồng. Đây là thử thách rất lớn với các NH nội, bởi các NH ngoại có tiềm lực lớn hơn, có trình độ nghề nghiệp cao hơn và độ tín nhiệm cũng dày hơn.
 
Đồng thời, về phía các cơ quan quản lý, tiếp tục xây dựng một môi trường pháp lý hiệu quả, có hiệu lực, bảo đảm cho các NHTM cạnh tranh bình đẳng và thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ các NHTM. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống NHTM, cải cách NH theo hướng nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính, mở rộng quy mô và năng lực cạnh tranh cho NHTM. Hình thành các tập đoàn tài chính-ngân hàng đủ lớn, mạnh dạn sắp xếp lại NHTMCP theo hướng thanh lý, giải thể những NH yếu kém, sáp nhập những NH nhỏ không đủ vốn pháp định vào những NH lớn. Trong môi trường kinh doanh hiện đại, hệ thống NH cũng phải được xây dựng hiện đại về mặt công nghệ, tiến dần đến tự động hóa cao trong các nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ thanh toán-kế toán và thông tin NH. Có thể nói, nâng cao sức cạnh tranh trong hệ thống NH là một trong những vấn đề rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Bài và ảnh: Thành Lân
;
.
.
.
.
.