Chưa bao giờ cổ phiếu (CP) trên thị trường chứng khoán Việt Nam rẻ như lúc này. Trước đây, nhà đầu tư phải có trong tay tiền triệu, tiền tỷ mới đủ để chơi chứng khoán, còn nay chỉ vài trăm ngàn, thậm chí vài chục ngàn đồng là có thể lên sàn, ung dung mua bán.
Cổ phiếu mất giá khiến nhà đầu tư quay lưng với thị trường. (ảnh mang tính minh họa) |
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã trên đà đi xuống, cụ thể trong những phiên giao dịch cuối tháng 5, thị trường chính thức suy giảm mạnh với chuỗi mất điểm liên tiếp trên cả hai sàn, với mốc đáy được xác lập cho HNX – Index là 76,98 điểm, mốc này đã phá vỡ mức đáy được xác lập trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới 2009. Trong khi đó, chỉ số VN-Index tuy vẫn còn cách khá xa mức đáy trong khủng hoảng nhưng cũng đang chịu áp lực giảm rất lớn khi hàng loạt CP quay đầu giảm mạnh sau thời gian nâng đỡ thị trường.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán (CTCK) Vietcombank (VCBS), toàn thị trường có 288 mã đang có giá ở mức ngang bằng đáy năm 2009 và thấp nhất trong lịch sử, chiếm 43,3% tổng số CP niêm yết. Các CP này được phân bố trong hầu hết các nhóm ngành từ dịch vụ cho đến sản xuất. Trừ một số ngành có số CP niêm yết quá thấp, thì tỷ lệ CP đang ở mức thị giá thấp kỷ lục, tập trung vào các ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, vận tải hàng hải, bao bì đóng gói. Đặc biệt, hiện tại đã có những CP nằm ở mức giá chưa bằng 1/2 ly cà-phê như: SVS - (Công ty CP Chứng khoán Sao Việt) giá 2.900 đồng/CP; SHC (Công ty CP Hàng hải Sài Gòn) 3.400 đồng/CP... và hàng loạt CP chỉ ở mức 4.000 – 5.000 đồng/CP. Trong số này có 240 công ty đã công bố báo cáo tài chính quý 1-2011.
Đáng chú ý là trên sàn giao dịch, nhà đầu tư có thể nhận thấy nhiều công ty đang ở trong tình trạng báo động như: Công ty cổ phần (CTCP) Basa (BAS) thua lỗ 8/10 quý gần nhất và đang bị tạm ngưng giao dịch. CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP) thậm chí lặp lại điệp khúc thua lỗ 9/10 quý và vừa mới được giao dịch trở lại. Ở dạng bị kiểm soát, CTCP Full Power (FPC) thua lỗ 3 năm liên tiếp. Trước đó, FPC bị ngưng giao dịch tới 7 tháng. CTCP Vitaly (VTA) bị buộc hủy niêm yết từ ngày 31-5 do thua lỗ 3 năm liên tiếp. CP của CTCP Container phía Nam (VSG) cũng đang trong diện bị cảnh báo, sau 7 quý lỗ liên tiếp. Điều này cho thấy, áp lực lợi nhuận và nguy cơ bị hủy niêm yết đang đè nặng lên vai các công ty thua lỗ triền miên.
Theo số liệu thống kê của một công ty chứng khoán, tính đến gần cuối tháng 5, trên thị trường có tổng cộng 259 CP niêm yết đang giao dịch dưới mệnh giá. Những mã có thị giá thấp là FPC 2.900 đồng, VKP 3.500 đồng, BAS 3.700 đồng, VSG 4.000 đồng… Ngoài yếu tố khách quan là sự ảm đạm của thị trường khiến CP tụt dốc, còn đó những yếu tố nội tại của chính doanh nghiệp khi thống kê cho thấy có đến 1/7 doanh nghiệp trong số này đều thua lỗ trong quý 1. Xem xét 259 doanh nghiệp đang giao dịch dưới mệnh giá, có 36 công ty lỗ trong quý 1, 80 công ty có lợi nhuận chưa đến 1 tỷ đồng…
Không chỉ có các CP của các công ty gặp khó, mà ngay cả chính các công ty chứng khoán cũng đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. TTCK diễn biến xấu từ cuối năm 2010 đến nay là nguyên nhân chính khiến các CTCK lâm vào tình cảnh khó khăn. Mới đây, ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Chứng khoán Hà Thành (HASC) đã bỏ nhiệm sở với mức thâm hụt cho vay lên đến 100 tỷ đồng. Sự việc này một lần nữa cảnh báo bức tranh tín dụng của các CTCK có vấn đề.
Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng, mức giá thấp hiện nay của các CP chưa phản ánh được giá trị thực của một doanh nghiệp. Có những công ty hoạt động kinh doanh hiện tại vẫn tốt và thậm chí được đánh giá khả năng sinh lời trong tương lai vẫn cao nhưng giá CP vẫn xuống dưới mệnh giá như: CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PVG) khi PPC lãi ròng 171 tỷ đồng, PVG đạt 115 tỷ đồng, nhưng giá CP chỉ có 7.400 đồng và 9.900 đồng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN