Nhằm mục tiêu cung cấp những thông tin hữu ích và cần thiết về cách tiếp cận các nguồn vốn để bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), ngày 24-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Đà Nẵng phối hợp với Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn tổ chức hội thảo “Ngân hàng và Doanh nghiệp - Kinh doanh nguồn vốn”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI, Chi nhánh tại Đà Nẵng cho biết: Hiện nay chỉ có khoảng 1/3 DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng (NH). Nguyên nhân chủ yếu là do các DN còn lại không đáp ứng đủ điều kiện cho vay. Các NH rất ngại khi tính minh bạch của DN trong bối cảnh này thường không rõ ràng. DN hiện muốn vay được vốn sản xuất, bên cạnh việc thế chấp tài sản còn phải dựa trên sự tín nhiệm của đơn vị đó. Sau đó, ngân hàng mới tính đến việc cho vay hay không.
Trên thực tế, mối bận tâm thường trực đối với DN nói chung, DN vừa và nhỏ nói riêng là vốn. Vậy nên, theo ông Diễn, dù tiếp cận vốn từ ngân hàng rất khó khăn, song đây vẫn là kênh chính mà DN hướng tới, trong khi các kênh khác chưa được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện tại, không chỉ có DN là khó khăn mà cả chính NH cũng rất khó khăn trong hoạt động của mình khi phải xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% cả năm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, dù thế nào đi chăng nữa chắc chắn các NH sẽ không dám vượt quy định này, nên DN cũng rất khó khi đi vay.
Hội thảo đã nhận được nhiều câu hỏi của DN liên quan đến việc tiếp cận cũng như kinh doanh nguồn vốn nhàn rỗi. Trong đó, đáng chú ý là các câu hỏi về nguồn vốn cho DN bất động sản, vốn cho thị trường chứng khoán, vốn trung và dài hạn cho sản xuất kinh doanh… đã được giải đáp thấu đáo cũng như đưa ra các giải pháp khác nhau trong việc tìm nguồn vốn và cải thiện hình thức kinh doanh giúp nguồn vốn quay vòng. Đặc biệt là các câu hỏi, cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả, từ đó xây dựng định hướng kinh doanh cho chính DN trong tương lai.
Theo đại diện các DN, lý do chính khiến họ khó tiếp cận vốn là do thủ tục ngân hàng đặt ra “quá sức” đối với họ. Cái khó trước hết là lãi suất quá cao. Mặc dù, mức lãi suất trần huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước quy định đối với các ngân hàng thương mại là 14%/năm, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xê dịch khoảng 17 -18%/năm. Song, trên thực tế, con số này đã bị đẩy lên rất nhiều vì một số loại phí của NH, nên lãi suất cho vay ra từ các ngân hàng có thể bị đẩy lên 20 - 22%, dẫn tới không ít doanh nghiệp không dám vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Tiếp đó, thủ tục vay vốn đã khắt khe nay lại càng khắt khe hơn khi Ngân hàng Nhà nước có khuyến cáo hạn chế thế chấp bằng bất động sản, nhà xưởng... Trong khi đó các loại tài sản này lâu nay thường được các DN đem ra thế chấp để vay.
Theo kết quả, một khảo sát của VCCI mới đây, chính sách điều hành lãi suất được nhiều DN cho là có tác động không tốt tới hoạt động kinh doanh. Vẫn có khoảng 17% DN không vay được với lãi suất ngân hàng theo giá niêm yết và trên 44% DN đang đi vay với lãi suất trên 18%. Trong khi đó, chỉ có 20% DN có thể “cắn răng” chịu đựng mức lãi suất này. Khoảng 5% DN đang đi vay với lãi suất trên 21%, trong khi đó 100% DN đang khẳng định lãi suất hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại vào khoảng 17 - 18%.
Theo phân tích của Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, để giải quyết khó khăn tài chính và huy động vốn thì DN cần phải kiên quyết xử lý các khó khăn tài chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh trước khi tìm cách huy động vốn như: Loại bỏ những hàng hóa không đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới, thanh lý máy móc, thiết bị không cần thiết, cắt giảm những chi phí quản lý chưa cần thiết… Đồng thời cắt bỏ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả; tiến đến liên kết, hợp tác trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ, tăng cường dịch vụ hậu mãi để tăng giá bán; xem xét lại nhân lực, cắt giảm bộ phận thừa và tăng năng suất lao động.
Thành Lân