.

Giá vàng sẽ còn biến động

.
Trong những ngày vừa qua, giá vàng đã liên tục biến động, tăng giảm bất thường, khiến cho nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 70% giá trị, một tốc độ tăng chóng mặt so với nhiều kênh đầu tư khác. Phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Công ty  CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng về tình hình biến động giá vàng.

Mô tả ảnh.
* P.V:
Thưa ông, những nguyên nhân nào khiến giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua?

- Ông Nguyễn Văn Lý (ảnh): Nguyên nhân chính là do từ năm 2010 đến nay, sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, tình hình tài chính tiền tệ, nợ công của các nước lớn như Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp… ở mức cao vượt mức cho phép. Nước Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất thấp và tình trạng thất nghiệp vẫn còn ở mức cao, đỉnh điểm và bộc phát mạnh từ tuyên bố của Hãng S&P về việc hạ bậc tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+ (một việc chưa từng có trước nay) làm cho đồng USD mất giá mạnh, sự lo ngại nước Mỹ sẽ bị suy thoái kép và thị trường chứng khoán thế giới hỗn loạn, tháo chạy. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát ở nhiều nước vẫn còn cao, nhiều nước vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp để cứu vãn nền kinh tế. Một số ngân hàng Trung ương (TW) các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan... tiếp tục tăng dự trữ vàng và Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới là SPDR liên tục mua vàng vào với số lượng lớn...
 
Vì vậy, các nhà đầu tư, kể cả dân chúng đã tìm đến vàng, mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình; đồng thời tìm cơ hội sinh lãi từ vàng. Lực mua càng tăng, tâm lý “bầy đàn” xuất hiện dẫn đến giá vàng càng tăng mạnh. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước còn tùy thuộc vào các yếu tố quan trọng khác như tỷ giá VND/USD, chính sách vĩ mô, tình hình lạm phát và tình hình cung cầu vàng của thị trường. Các yếu tố này trong mấy ngày qua cũng đã hỗ trợ làm cho giá vàng tăng ngoài việc giá vàng tăng do giá vàng thế giới tăng.

* P.V : Nhiều dự đoán cho rằng, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian đến, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Lý: Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới và trong nước đều có chung dự đoán là giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng. Vì tác động nhanh chóng của các chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu và có lẽ sẽ của cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tương lai gần làm tăng giá trị của vàng, như thứ tài sản để trú ẩn thay cho tiền giấy của các nước nói chung. Do đó, có dự báo là vàng sẽ leo lên những đỉnh cao mới dù vẫn theo hình dích dắc trong ngắn hạn.

Riêng cá nhân tôi cũng đồng nhận định là về trung hạn (nhanh nhất là cho đến tháng 6-2012 ), xu thế giá vàng còn có thể tiếp tục tăng, nếu như tình hình kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn, nợ công các nước lớn như Mỹ và các nước châu Âu không giải quyết dứt điểm hoặc tiếp tục tung tiền ra để cứu trợ, vẫn tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp, lạm phát vẫn còn tăng cao... Dự kiến từ nay đến cuối năm 2011 sẽ có lúc giá vàng đạt trên mốc 1.850USD/ounce đến 1.900USD/ounce, giá vàng trong nước sẽ còn cao hơn giá thế giới vì nhiều lý do, trong đó do tỷ giá VND/USD càng gần đến cuối năm sẽ còn tăng cao do nhu cầu nhập khẩu, nên giá vàng trong nước có thể lên đến 48,5 triệu đồng đến 49 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, cần lưu ý giá vàng có lên có xuống, nhất là khi đạt ngưỡng các nhà đầu tư thường chốt lời (bán ra) với số lượng lớn, hoặc khi thua lỗ chứng khoán họ có thể bán vàng để mua chứng khoán giá thấp, hoặc khi có thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ, châu Âu sẽ làm giá vàng kéo tụt trở lại. Hoặc như trong nước ta khi có thông tin cho nhập vàng thì lập tức giá vàng sẽ giảm xuống ngay.

* P.V: Theo ông, để bình ổn thị trường vàng, chúng ta cần phải làm gì?

- Ông Nguyễn Văn Lý: Để bình ổn thị trường vàng trong nước, theo tôi: Một là phải để thị trường được liên thông với thế giới, xuất nhập khẩu bình thường khi có nhu cầu, không nên để nạn đầu cơ tích trữ lũng đoạn thị trường gây thiệt hại cho dân, rồi mới cho nhập vàng để bình ổn giá. Mặt khác, Nhà nước nên giao việc quản lý kinh doanh vàng cho một bộ, ngành trực tiếp quản lý, không để nhiều đầu mối quản lý, dẫn đến không ai chịu trách nhiệm. Sớm ban hành Nghị định về quản lý kinh doanh vàng (theo yêu cầu của NQ 11 của Chính phủ). Để việc kinh doanh vàng vận hành theo cơ chế thị trường, không nên cấm đoán hoặc hạn hẹp quá nhiều điều kiện, gây ách tắc trở ngại nhu cầu mua bán vàng, trang sức của người dân.
 
Đặc biệt, không nên để các ngân hàng thương mại trực tiếp tham gia kinh doanh vàng vì với vốn lớn và sự quản lý thiếu cơ chế chặt chẽ dẫn đến sẽ gây nên việc thu gom vàng, biến tướng thành đầu cơ tích trữ, làm nhiễu loạn giá cả thị trường. Ngân hàng Nhà nước cần có bộ phận chuyên nghiên cứu sự biến động của thị trường vàng thế giới và trong nước, dự báo sát tình hình để từ đó xây dựng cơ chế điều hành giá niêm yết mua bán vàng như việc điều hành tỷ giá USD hiện nay vậy,  tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi doanh nghiệp, tiệm vàng nhân cơ hội sốt vàng niêm yết giá tùy tiện, chênh lệch quá mức làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Kèm theo đó là Ngân hàng Nhà nước cần phải thường xuyên thực hiện tốt việc ổn định tỷ giá, chuẩn bị từ xa các biện pháp nhằm ổn định lâu dài về tỷ giá VND/USD. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế vận hành để huy động được nguồn vốn vàng còn rất lớn trong dân hoặc đang gửi tại các tổ chức kinh tế hay ngân hàng vào xây dựng phát triển kinh tế, đồng thời cũng để bình ổn thị trường vàng khi có biến động, khỏi phải tiêu tốn ngoại tệ để nhập thêm vàng.

* P.V: Cảm ơn ông !

Thành Lân (Thực hiện)
;
.
.
.
.
.