.

Siết chặt cho vay phi sản xuất

.
Một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị 01 ngày 1-3-2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là: Yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Theo đó, đến 30-6, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất tối đa là 22% trên tổng dư nợ và đến 31-12, tỷ trọng này còn là 16%. Tuy nhiên, cho đến nay tỷ lệ này vẫn là một thách thức lớn cho các TCTD trên địa bàn.

Mô tả ảnh.
Thị trường bất động sản gặp khó khi ngân hàng siết cho vay.
 
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, đến 31-7, dư nợ cho vay phi sản xuất của các TCTD trên địa bàn là 10.799 tỷ đồng, giảm 10,61% so với năm 2010, bằng 22,43% trên tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 70% (7.545 tỷ đồng). Mặc dù tỷ trọng này có giảm hơn so với năm trước nhưng vẫn còn cao so với yêu cầu. Đáng chú ý là một số ngân hàng thương mại, tỷ trọng cho vay phi sản xuất nằm ở mức khá cao, trong khi thời hạn để các ngân hàng thương mại phải đưa dư nợ tín dụng BĐS về mức 16% không còn dài. Điều dễ nhận thấy nhất là khi các khoản vay trong lĩnh vực phi sản xuất giảm thì nguồn tiền vốn ngân hàng sẽ được tích cực gia tăng đối với lĩnh vực sản xuất.

Trên thực tế, hầu hết các TCTD trên địa bàn đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các điều kiện cấp vốn tín dụng nhằm hạn chế nguồn tiền cho vay. Trong đó, ngay từ cuối quý 1-2011, rất nhiều ngân hàng đã thực hiện việc ngừng cho vay chứng khoán; vay vốn đầu tư cho nhà đất và một số lĩnh vực phi sản xuất khác cũng đã được điều chỉnh giảm dần cho phù hợp với chính sách. Đồng thời tích cực đốc nợ, đàm phán với khách hàng đang có dư nợ tín dụng phi sản xuất để thu hồi vốn trước hạn, các khoản nợ đến hạn. Song, vì sao con số này vẫn còn cao?

Dù biết rằng cho vay phi sản xuất, trong đó chủ yếu là cho vay bất động sản (BĐS) là một kênh hàm chứa nhiều rủi ro cần phải siết, nhưng theo chia sẻ của một giám đốc NH thì tín dụng phi sản xuất vẫn đang là kênh rót vốn sôi động đối với các NH vì nếu so sánh lợi nhuận, cho vay sản xuất chỉ 17% - 18%/năm, trong khi cho vay phi sản xuất, trong đó có BĐS hiện tới 23% - 25%/năm. Đó là chưa kể đến tình trạng các ngân hàng đồng thời là chủ đầu tư các dự án BĐS... Ngoài ra, ở Đà Nẵng những năm qua cho vay trong hoạt động phi sản xuất có bước phát triển mạnh do nhu cầu đầu tư bất động sản, chứng khoán gia tăng…

Trước những khó khăn này, tại các buổi làm việc với các TCTD trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đề nghị, NHNN chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, đồng thời điều chỉnh mạnh cơ cấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…, các TCTD cần thực hiện nghiêm túc việc giảm tốc độ cho vay phi sản xuất.

Bài và ảnh: Thành Lân
;
.
.
.
.
.