.

Cảnh báo từ dịch vụ tín dụng “đen”

.
Trong thời gian qua, cùng với nhiều địa phương khác trên cả nước, hiện tượng vỡ nợ tín dụng “đen” đã và đang xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Điển hình là vụ một cán bộ ngân hàng có chi nhánh trên địa bàn bị tố lừa đảo số tiền lên đến 20 tỷ đồng, với 18 người bị hại. Trong khi đó, dư luận lại đang xôn xao với một vụ vỡ nợ mới với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng…

Mô tả ảnh.
Để bảo toàn đồng vốn của mình, người dân nên gửi tiền ở ngân hàng.
 
Tín dụng “đen” là các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, núp dưới các chiêu bài nhà cửa to đẹp, ô-tô đắt tiền, công ty hoành tráng và đang ăn nên làm ra, người đi huy động vốn đưa ra mức lãi suất cao ngất ngưởng, nhằm đánh vào lòng tham của nhiều người. Mà cuối cùng, hậu quả là những người cho vay mất sạch tiền của.
 
Tuy nhiên, theo am hiểu của nhiều người, nếu ai đó tỉnh táo và có kiến thức tối thiểu về kinh tế thị trường, đồng thời không quá ham lời từ “trên trời rơi xuống” thì rất dễ dàng tránh được bẫy của tín dụng “đen”. Bởi rất khó có một hoạt động kinh doanh nào mà đem lại lợi nhuận cao như lãi suất hứa hẹn của những người đi huy động dưới dạng tín dụng “đen”. Bài học kinh tế thị trường đã được đúc kết qua thực tế cho thấy, bất cứ hoạt động kinh tế nào mang lại món lợi nhuận cao bất thường, đều luôn chứa đựng những rủi ro tiềm tàng và không thể kéo dài, bền vững.

Vẫn biết thị trường tín dụng “đen” có nguy cơ gặp rủi ro rất cao nhưng vì lợi nhuận, thủ tục đơn giản, cộng thêm một lòng tin mù quáng mà nhiều người dân vẫn tham gia. Đáng chú ý, vào thời điểm cuối năm, thị trường bất động sản trầm lắng, chứng khoán đang đi vào ngõ cụt, trong khi đó các hợp đồng vay ngân hàng bắt đầu đáo hạn... khiến cho thị trường tín dụng “đen” trở thành phao cứu sinh để nhiều người tìm đến. Có cung là có cầu, có người đi vay là có người cho vay, nhưng để có tiền cho vay thì phải đi huy động. Song, rất nhiều hợp đồng dạng này thường có kết quả xấu, nên gây ra đổ vỡ dây chuyền…

Để tránh được những rủi ro không đáng có như những vụ vỡ nợ vừa qua, người dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước những lời kêu gọi huy động vốn với lãi suất cao, tuyệt đối không nên cho vay… Đồng thời phải thận trọng và tránh bị tâm lý số đông chi phối, hoặc tác động từ người thân, người quen. Càng ngày những đổ vỡ trong các hoạt động tín dụng “đen” tính chất lừa đảo ngày càng lớn. Tín hiệu thông thường và phổ biến, đặc trưng cho những lừa đảo trong tín dụng “đen” thường là lãi suất cao, trả lãi đều, uy tín trong thời gian đầu, sau đó là “quất ngựa truy phong”, người cho vay lúc này mất cả chì lẫn chài.

Bài và ảnh: Phương Uyên
;
.
.
.
.
.