.

Lãi suất liên ngân hàng tăng nóng

.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những tuần cuối của tháng 10-2011, lãi suất (LS) giao dịch bình quân trên thị trường liên NH bằng VND có xu hướng tăng đối với tất cả các kỳ hạn.
 
Mô tả ảnh.
Huy động vốn từ dân cư khó, khiến không ít NH thiếu thanh khoản. (ảnh mang tính minh họa)
Trong đó tăng mạnh nhất thuộc về kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng, lần lượt tăng 2,97%  và 2,03% so với kỳ trước. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ một số NHTMCP, trước nhu cầu cần vốn để thanh khoản trong dịp cuối năm, đồng thời do vốn huy động từ dân cư sụt giảm, một số NH phải tìm đến thị trường liên NH để cứu thanh khoản, khiến LS liên NH có lúc lên tới 30% cho kỳ hạn một tháng. Như vậy có thể nói rằng, với mức tăng đạt 30% như hiện nay, cao hơn 2 lần so với huy động từ dân cư (14%) đã cho thấy LS trên thị trường liên NH là rất nóng.

Lý giải về việc LS liên NH tăng mạnh trong thời gian qua, lãnh đạo NH Á Châu cho rằng: Nguyên nhân đầu tiên là do LS huy động được khống chế tối đa 14% một năm khiến một số NH nhỏ gặp khó khăn trong huy động. Ngoài ra, tác động điều chỉnh của NHNN tăng LS tái cấp vốn từ 14% một năm lên 15%, LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH từ 14% lên 16% mỗi năm, áp dụng từ ngày 10-10 cũng là một nhân tố đẩy LS liên NH dâng cao.

Trước những khó khăn của một số NH, NHNN đã “bơm” ra thị trường mở một khoản tiền khá lớn. Cụ thể, trong 2 ngày 10 và 11-10 mỗi ngày bơm ra 2.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 5.000 tỷ đồng cho các ngày kế tiếp. Có tuần NHNN đưa ra đến khoảng 22.000 tỷ đồng, đồng thời rút về 6.000 tỷ đồng do đáo hạn khoản vay của 2 tuần trước. Như vậy, NHNN đã “bơm” ròng 16.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần, khá nhiều so với con số 28.000 tỷ đồng của cả tháng 9. Điều này gắn với thông điệp mà NHNN đã phát đi: Không để NH nào mất thanh khoản, cũng như định hướng sẽ hỗ trợ chung cho hệ thống.

Tuy vậy, theo các NH nhỏ, dù NHNN “bơm” vốn qua thị trường mở khá mạnh trong các ngày gần đây nhưng vẫn chưa giúp các NH cải thiện thanh khoản, vì không đáng kể so với lượng tiền bị người dân rút ra khỏi hệ thống. Và LS tăng là nằm ở vấn đề cung cầu. Sự thanh khoản toàn hệ thống không có vấn đề, nhưng từng NH có vấn đề. NH nhỏ bị LS đồng thuận 14% gây khó, đồng thời cũng không còn cửa lách khi NHNN siết chặt kiểm tra. Thêm vào đó, nhiều NH hiện nay không có đủ hồ sơ cần thiết để tiếp cận với nguồn vốn này, vì vậy đã phải vay qua đêm trên thị trường liên NH với LS rất cao.

Bài và ảnh: Phương Uyên
;
.
.
.
.
.