.

Phía sau những cam kết mới về lãi suất

.
Trần lãi suất huy động 14%/năm và 6%/tháng, theo cam kết đồng thuận đã khiến không ít ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Mặc dù thông qua thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã bơm ròng một lượng tiền trên 30.000 tỷ đồng kể từ đầu tháng 10 đến nay nhằm hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng.
Mô tả ảnh.
Nhiều ngân hàng gặp khó trong huy động vốn (ảnh mang tính minh họa).
 
Song, các ngân hàng (NH), nhất là các NH nhỏ tình trạng căng thẳng thanh khoản một lần nữa lại xuất hiện. Vì vậy, không ít NH than vãn đằng sau cơ chế lãi suất nảy sinh những vấn đề bất ổn. Đặc biệt, cũng theo số liệu của NHNN, lần đầu tiên kể từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng của nguồn vốn đã lớn hơn tốc độ tăng của sử dụng vốn, trong khi đó lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng mạnh.

Theo quy định của NHNN thì trần lãi suất tiền gửi VND chỉ có hai mức 6% và 14%, kỳ hạn nào thì lãi suất đó. Ngoài ra, mọi chiêu thức lách trần thông qua các loại sản phẩm đều bị cấm. Cho nên, khi trần lãi suất được làm nghiêm và không còn con đường nào để lách, không thể cạnh tranh bằng lãi suất, có thể thấy ngay việc dòng vốn sẽ có sự dịch chuyển.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về mốc 14%/năm, trật tự bắt đầu được lập lại và mặc dù đạt được một số kết quả nhất định sau khi NHNN mạnh tay lập lại trật tự lãi suất tiền gửi, nhưng phía sau đó đang lộ ra những khoảng trống đáng lưu tâm.

Đó là, không ít người gửi tiền, nhất là các nhà đầu tư đã chuyển kênh đầu tư do lãi suất tiền gửi bị giảm mạnh so với mức thực hưởng 18-19%/năm trước đây. Bên cạnh đó, khi mặt bằng lãi suất đầu vào ở các ngân hàng đều bằng nhau, thì hiện tượng người dân đến rút tiền từ ngân hàng nhỏ sang gửi ngân hàng lớn có tên tuổi, uy tín và chất lượng phục vụ tốt hơn càng nhiều. Cho nên, nhiều ngân hàng đã phải vay vốn của những ngân hàng khác với lãi suất cao hơn để bù đắp mất cân đối thanh khoản tạm thời. Bên cạnh đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua cũng đã tăng rất nhanh. Vì vậy, khó khăn lại tăng lên gấp bội đối với những ngân hàng nhỏ. Mặt khác, khi áp lãi suất trần thấp hơn mức cân bằng của thị trường sẽ làm nghẽn dòng tín dụng vào ngân hàng. Tiền trong ngân hàng bị rút ra vì lãi suất thấp hơn kỳ vọng của người gửi tiền…

Nhìn về những tháng cuối năm, triển vọng thanh khoản của các NH nhỏ dường như không mấy sáng sủa. Do các kênh đầu tư vàng và ngoại tệ đang có khả năng trở nên hấp dẫn hơn vào dịp cuối năm. Vì vậy, không loại trừ lượng vốn huy động sẽ còn tiếp tục giảm và các NH lớn tiếp tục tận dụng thời cơ để nâng lãi suất liên NH lên cao hơn nữa. Và một khi bị buộc phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất quá cao, nên nhiều ý kiến đề nghị NHNN áp trần lãi suất thị trường liên ngân hàng tương tự như trần lãi suất huy động để các NH lớn hỗ trợ thanh khoản cho NH nhỏ. Tuy nhiên trên thực tế, sự kỳ vọng này dường như chưa thực hiện được. Đó là chưa kể đến việc khi nguồn vốn huy động của ngân hàng bị giảm thì ngân hàng cũng không có vốn để cho vay và điều tất yếu là lãi suất sẽ tăng lên.

Bài và ảnh: Phương Uyên
;
.
.
.
.
.