Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2010, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có trên 100 ngân hàng (NH), trên 30 tổ chức tín dụng phi ngân hàng và hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân.
Riêng tại thị trường Đà Nẵng đã có 56 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) với nhiều loại hình: Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, NH Chính sách xã hội, NH Cổ phần đô thị, NH liên doanh, NH nước ngoài và 4 định chế tài chính khác như: Công ty Cho thuê tài chính, Công ty Tài chính. Ngoài 55 Chi nhánh TCTD, còn có trên 225 Phòng giao dịch, điểm giao dịch, quỹ tiết kiệm...
Nhìn vào con số trên, có thể thấy rằng, trong thời gian qua, số lượng ngân hàng đã tăng trưởng quá nóng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung đang phổ biến với quy mô nhỏ, năng lực quản lý còn nhiều bất cập, tăng trưởng chưa cân đối… Do vậy, để tồn tại và phát triển, hệ thống ngân hàng thương mại cần được cơ cấu lại.
Đáng chú ý là năm 2008 và 2010 là các thời hạn chót để tăng vốn điều lệ theo quy định, nhiều người đã nói đến việc sàng lọc và tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng Việt Nam… Song đáng tiếc là điều đó đã không xảy ra. Nhưng mới đây, vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc hệ thống tài chính lại được nhắc đến. Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa rồi cũng đã kết luận phải ưu tiên hàng đầu cho việc sáp nhập, tái cấu trúc lại hệ thống NH. Trong đó, trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính, từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ ngân hàng nhỏ theo hướng sáp nhập, hợp nhất để có số lượng phù hợp, quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống… Cùng với chủ trương đó, các hạn chế ngày càng bộc lộ trong hệ thống NH đang là động lực thúc đẩy nhu cầu tái cơ cấu. Rõ ràng là tái cơ cấu ngân hàng đã không còn đường lùi.
Theo lãnh đạo NHNN, mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, song đánh giá một cách khách quan hệ thống NH Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế về khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và nhân lực cần phải khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới ở trình độ cao hơn. Đó là chưa kể đến nợ xấu hiện đang là bài toán nan giải của nhiều NH khi nợ xấu do các ngân hàng báo cáo là trên 3% nhưng các tổ chức nước ngoài đánh giá ít nhất là 10%.
Không phải đến bây giờ, mà trước đó, câu chuyện mua bán, sáp nhập ngân hàng đã được nhắc đến nhiều. Theo các chuyên gia, đã đến lúc việc mua bán, sáp nhập ngân hàng cần được triển khai rộng rãi, góp phần giúp hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh hơn. Điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp như cắt giảm được chi phí, mở rộng thị trường, phát triển được thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mới…
Rõ ràng là hệ thống NH đang tồn tại quá nhiều điểm yếu sau một thời gian dài phát triển quá nhanh. Liên tiếp các vụ vỡ nợ, lừa đảo tiền ngân hàng quy mô lớn được phanh phui gần đây. Các lỗ hổng về quản lý đang ngày càng lộ rõ hơn khi kinh tế khó khăn kéo dài. Những yếu kém nói trên đã tồn tại từ lâu làm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thiếu tính ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn và dễ bị tổn thương khi môi trường kinh doanh và thị trường trong nước, quốc tế biến động bất lợi. Do đó, việc cơ cấu lại ngân hàng là một đòi hỏi cấp bách hiện nay.
Bài và ảnh: Thành Lân