.

Thông tin dẹp bỏ các công ty tài chính không đúng

.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức cho biết, thông tin Nhà nước dẹp bỏ các công ty tài chính thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là không đúng với chỉ đạo của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2011.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, đến nay đã cấp phép thành lập và hoạt động cho 18 công ty tài chính, trong đó có 6 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài hoạt động chuyên doanh trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, 4 công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tập đoàn, tổng công ty nhà nước là chủ sở hữu và 8 công ty tài chính cổ phần có các cổ đông là tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần trên 25%.

Sau gần 15 năm hoạt động, các công ty tài chính đã thể hiện vai trò của mình trong việc hỗ trợ quản lý tài chính, thu xếp vốn trong và ngoài nước cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, công ty tài chính cũng là một kênh cung cấp vốn trung-dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, song hành cùng các ngân hàng thương mại cung cấp vốn cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong những năm gần đây, bên cạnh những mặt ưu điểm, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng bộc lộ nhiều bất cập như huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh trong khi năng lực quản lý, trình độ quản trị doanh nghiệp và khả năng tài chính nhìn chung còn yếu kém; đầu tư ra ngoài ngành nghề chính còn nhiều...

Do vậy, ngay từ năm 2009, Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có kế hoạch giảm tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành nghề chính, đặc biệt giảm tỷ lệ đầu tư vào 3 lĩnh vực “nhạy cảm” là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9-201, Chính phủ đã quyết nghị, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh.


Cũng nội dung này, tại Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-211, Văn phòng Chính phủ đã thông tin chính thức: Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung đầu tư vào lĩnh vực chính, đồng thời thoái vốn đã đầu tư vào ngoài ngành nghề chính, nhất là vào ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm.

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, triển khai Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2011, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng phương án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, có rà soát lại ngành nghề kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tập trung đầu tư và kinh doanh vào ngành nghề kinh doanh chính. Sẽ hạn chế, rút dần vốn và tiến tới không còn đầu tư ngành nghề không phải nhiệm vụ kinh doanh chính.

Ông Phạm Quốc Doanh nhấn mạnh, muốn thoái vốn của các công ty tài chính phải có thời gian và lộ trình phù hợp để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp, không thất thoát vốn của Nhà nước. Có thể bán vốn cho các cổ đông khác, có thể chuyển vốn từ đơn vị này sang đơn vị khác hoặc cũng có thể rút vốn, trường hợp này, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ phải giảm đi.

 

Theo CHINHPHU.VN

;
.
.
.
.
.