Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo giữ lãi suất (LS) huy động ở các tổ chức tín dụng 14%/năm, giảm LS cho vay xuống còn từ 17-19%/năm, thế nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng khó có thể tiếp cận nguồn vốn với LS như trên.
Muốn vay phải đợi hội sở duyệt
Khách hàng đến làm thủ tục vay vốn tại Techcombank Đà Nẵng. |
Chủ trương hạ LS cho vay về 17-19%/năm là một trong những động thái tích cực, nhằm giúp đỡ các DN vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, để tiếp cận được vốn vay với mức LS như trên không phải DN nào cũng vay được. Ông Trần Phước Châu, Giám đốc Công ty TNHH Trần Phước Châu cho rằng: Không phải DN nào cũng có thể vay được vốn với mức lãi như ngân hàng đã thông báo. Khi làm thủ tục vay vốn, DN sẽ phải vượt qua quá trình thẩm tra khá khắt khe của ngân hàng như chứng minh khả năng tài chính, khả năng trả nợ… Thừa nhận tình trạng khó tiếp cận vốn “giá rẻ” của các DN, lãnh đạo một NH nói thẳng: Dù đơn vị đã công bố LS cho vay sản xuất kinh doanh 17-19% mỗi năm, nhưng thực tế cũng chỉ có thể áp dụng cho một vài trường hợp là khách hàng tốt và có mối quan hệ quen biết, chứ chưa thể áp dụng một cách rộng rãi.
Làm gì để vay được vốn với LS phù hợp?
Theo Chi nhánh NHNN Việt Nam tại Đà Nẵng, tính đến tháng 8-2011, tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 39.680 tỷ đồng, tăng 8,61% so với cuối năm 2010. Trong đó, huy động tiền đồng đạt 33.398 tỷ đồng, tăng 11,64%; huy động ngoại tệ đạt 6.282 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cuối năm 2010. Dư nợ cho vay đạt 47.138 tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2010. Trong đó, dư nợ phục vụ sản xuất kinh doanh chiếm 76,21% trên tổng dư nợ.
Cũng theo NHNN, đến nay, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động đã tăng gấp 1,67 lần tốc độ tăng trưởng dư nợ. Tỷ lệ huy động trên dư nợ đã được cải thiện đáng kể so với cuối năm 2010. Nguồn vốn huy động tại chỗ đã đáp ứng được 84,18% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến không ít DN vẫn chưa thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng với LS phù hợp được xác định một phần do chính khách hàng. Chẳng hạn như hồ sơ vay vốn của DN vi phạm nguyên tắc vay vốn, dự án không khả thi, thiếu năng lực tài chính, thiếu tài sản bảo đảm nợ…
Bên cạnh đó, năng lực kinh doanh nhiều DN, nhất là các DNVVN còn hạn chế, chủ yếu là về nguồn lực con người, tài chính và khả năng lập dự án. Nếu dự án không khả thi thì ngân hàng không thể cấp vốn cho vay. Về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng TMCP trên địa bàn nhận định: Các DN, chủ yếu DNVVN, thường xây dựng báo cáo tài chính mang tính chất đối phó với cơ quan thuế. Đấy là chưa kể họ thường bán hàng không có hợp đồng kinh tế, không tuân thủ chế độ phát hành hóa đơn bán hàng. Do đó, NH khó có cơ sở để đánh giá và quyết định việc cho vay. Ngoài ra, những vướng mắc mà NH thường gặp khi cho đối tượng các DN này vay là vốn kinh doanh của DN quá ít, dẫn đến vốn tự có tham gia vào dự án ít, rủi ro cho NH khi đầu tư là quá lớn.
Đại diện một DN xuất nhập khẩu cho rằng: Để vay được vốn thì DN phải có được niềm tin với NH. Điều này sẽ dễ dàng hơn nếu DN và NH có mối quan hệ từ trước. Tức là không chỉ lúc cần vốn DN mới tìm đến NH mà DN nên thiết lập mối quan hệ khi sử dụng thường xuyên các dịch vụ của ngân hàng...
Có thể nói, ngoài những cố gắng nâng cao nguồn vốn của các NH, về phía các DN cũng cần phải có nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực, chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Đặc biệt là cần phải minh bạch vấn đề tài chính. Kinh nghiệm của một số DN đã vay vốn thành công cho thấy, trước hết họ cần phải thuyết phục được NH về mặt hiệu quả của phương án một cách rõ ràng như: khó khăn và thuận lợi của dự án, chi phí ban đầu, doanh thu, kế hoạch trả nợ…
Bài và ảnh: Trọng Hùng