.

Kiểm soát lãi suất đầu ra

.

Trần lãi suất (LS) huy động 14%/năm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng cách đây gần 1 năm và đem lại những kết quả nhất định.

Nhiều NH đề nghị kiểm soát lãi suất đầu ra (ảnh mang tính minh họa).
Nhiều NH đề nghị kiểm soát lãi suất đầu ra (ảnh mang tính minh họa).

Tuy nhiên, bên cạnh những NH thực hiện nghiêm quy định thì một số NH vẫn  lén lút xé rào LS đầu vào, khiến cho LS đầu ra không thể hạ. Chính vì vậy, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành NH trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đề nghị NHNN nên áp dụng mức trần đầu ra nhằm giảm chi phí đầu vào cho các DN.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương, lâu nay, việc điều hành LS cứ phải chạy theo lạm phát, do vậy dù kiểm soát được LS mà lạm phát vẫn ở mức cao thì kết quả đem lại chưa như mong muốn, đồng thời trần LS chỉ kiểm soát đầu vào mà không quy định cụ thể mức đầu ra, nên mỗi NH cho vay mỗi kiểu. Điều này khiến không ít doanh nghiệp (DN) lao đao. Năm 2011, Đà Nẵng có khoảng 1.000 DN vừa và nhỏ không đủ vốn để sản xuất kinh doanh và đã tạm ngừng hoạt động, trong đó có 144 DN và 160 chi nhánh, văn phòng đại diện tại Đà Nẵng đã giải thể…

Không chỉ những DN mới bức xúc về LS, mà ngay cả “người trong cuộc” cũng lên tiếng về mức LS cho vay hiện nay quá cao so với sức chịu đựng của DN. Ông Trần Thanh Điện, Giám đốc BIDV Chi nhánh Đà Nẵng, một trong những NH đi tiên phong trong việc giảm LS cho vay chia sẻ: NHNN nên khống chế LS đầu ra của các NH, không lý do gì mà LS đầu vào 14%/năm từ đầu năm đến nay mà LS cho vay một số NH hiện tại vẫn trên 20%/năm. Mức 20% là quá cao so với mức chịu đựng của các DN, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như năm qua. Không những bản thân các DN mong muốn hạ LS, mà chính các NHTM cũng đồng thuận với việc này.

Theo NHNN, trong năm 2011, tại nhiều chi nhánh TCTD có LS thực tế trên mức 14%/năm thông qua việc “lách” các quy định, dẫn đến mặt bằng LS cho vay hiện ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Do đó, trong thời gian đến, cần tiếp tục thực hiện nghiêm trần LS huy động, kết hợp với việc tiết giảm các chi phí hoạt động để giảm dần mặt bằng LS cho vay phù hợp với mặt bằng LS huy động và xu hướng giảm dần của lạm phát. Ông Ngô Lành, Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết, nếu áp dụng LS cho vay cao như hiện nay thì đồng nghĩa với nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao, do chi phí vốn vay của các DN tăng lên, DN không có khả năng trả nợ dẫn đến nợ xấu là điều mà các NH không mong muốn...

Đáng chú ý là hiện nay nhiều DN đang cần vốn thật sự, để trả tiền vật liệu và chi trả lương công nhân vào dịp cuối năm. Họ đành phải vay với LS cao, chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các NH nhỏ thiếu thanh khoản cũng đang trở thành đối thủ cạnh tranh của họ. Do đó vốn vay khan hiếm trở nên khan hiếm hơn, đẩy LS cho vay tăng cao. Vì vậy, mục tiêu kiềm chế LS huy động, qua đó kiềm chế LS cho vay, như một biện pháp kiềm chế lạm phát thêm khó khăn.

Để kiểm soát trần LS đầu ra, lãnh đạo thành phố đề nghị tất cả các NH trên địa bàn ký vào biên bản cam kết thỏa thuận về mức LS huy động và cho vay, đồng thời thành lập đoàn thanh tra nhằm kiểm tra kiểm soát, phát hiện NH nào vượt khung sẽ xử phạt. Hy vọng đây sẽ là giải pháp giúp DN bớt chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Bài và ảnh: Nhật Anh
 

;
.
.
.
.
.