.

Quý 1/2012, hợp nhất hoặc mua bán lại 5-8 ngân hàng

.

(ĐNĐT) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, ngay trong quý 1/2012, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép hợp nhất hoặc mua bán lại khoảng 5 - 8 ngân hàng thương mại.

Đây là bước đi tiếp theo của quá trình tái cấu trúc hệ thống. “Đó là dự tính, còn nó có diễn ra đúng như vậy hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố nội tại của các ngân hàng. Khi triển khai thì vẫn thực hiện trên cơ sở tự nguyện và theo đúng quy định của pháp luật”, Thống đốc nói trong buổi gặp mặt báo chí chiều 11-1.

Với dự kiến trên, số lượng các ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian sắp tới cũng sẽ nhanh chóng được thu gọn.

Trước đó, cuối năm 2011, 3 ngân hàng là Sài Gòn, Tín Nghĩa và Đệ Nhất đã thực hiện quá trình hợp nhất, dưới sự tham gia “bảo trợ” của BIDV.

Trong “thông điệp” đầu năm nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã cho hay: Các tổ chức tín dụng cần được đánh giá, phân loại thành tổ chức tín dụng  lành mạnh, tổ chức tín dụng  thiếu thanh khoản tạm thời và tổ chức tín dụng  yếu kém. Các tổ chức tín dụng lành mạnh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế.

Các tổ chức tín dụng  yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu tổ chức tín dụng yếu kém không thể phục hồi được thì phải được kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. tổ chức tín dụng tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ để phục hồi, đồng thời phải chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn

Về vấn đề bao giờ bỏ trần lãi suất huy động VND, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN định hướng sẽ tiếp tục áp trần lãi suất huy động ít nhất cho đến hết tháng 6-2012.

“Nếu bao giờ không còn những lý do để áp trần lãi suất thì lúc đó sẽ bỏ, nhưng giờ vẫn chưa giải quyết được những lý do đó”, Thống đốc nói.

Cụ thể, từ năm 2010, cơ chế trần lãi suất huy động được đưa ra xuất phát từ những xáo trộn trên thị trường. Nhu cầu vốn của hệ thống ngân hàng cao, nếu để tự do thì mặt bằng lãi suất huy động cao dẫn tới lãi suất cho vay cao và doanh nghiệp khó khăn, tăng trưởng kinh tế theo đó khó đảm bảo… Và cơ chế trần đưa ra nhằm đảm bảo hệ thống huy động vốn ở một mức nhất định, cho vay ra ở mức lãi suất “chấp nhận được”.

Đến nay, các điều kiện để áp trần lãi suất vẫn còn nên cơ chế này chưa bỏ được. Thống đốc nói: “Từ nay đến hết tháng 6-2012, bỏ trần là không tưởng. Nếu bỏ thì mức biến động của lãi suất như thế nào cần phải tính toán”.

Theo TTXVN, VnEconomy

;
.
.
.
.
.