.

Bao giờ lãi suất vay giảm?

.

Thông tin Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất (LS) cho vay đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) hết sức quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, liệu những công bố trên có trở thành hiện thực?
 

Nhiều DN kỳ vọng LS cho vay sẽ giảm mạnh trong năm 2012.
Nhiều DN kỳ vọng LS cho vay sẽ giảm mạnh trong năm 2012.

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã vào trang thông tin chính thức của 3 ngân hàng (NH) trên tìm kiếm, song chưa thấy một thông báo nào được đưa ra. Liên lạc với những người có trách nhiệm của 3 NH trên thì được biết, mức LS đưa ra cho DN thực tế ở Vietcombank vẫn trên 17,5%/năm và cá nhân 18 - 18,5%/năm. Riêng đối với lĩnh vực cho vay phi sản xuất như cho vay tiêu dùng dao động 18,5 - 19%/năm, cho vay chứng khoán và bất động sản 20%/năm. Điều đáng nói là đối tượng được hưởng LS cho vay ở mức thấp như trên vẫn chưa được mở rộng, mà vẫn tập trung chủ yếu ở những đối tượng được ưu tiên cũ. Còn đối với BIDV, tính đến nay cũng đã có 5 lần công bố giảm LS cho vay, với LS cho vay thấp nhất 14,5%/năm và cao nhất 17,5%/năm. Riêng VietinBank thì cho biết đó mới chỉ là chủ trương. Song không phải ai cũng tiếp cận được nguồn vốn vay này mà chỉ số ít DN nằm trong đối tượng là tài trợ DN xuất khẩu, cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn và hỗ trợ tín dụng cho đối tượng nhà thu nhập thấp được vay. Để vay được mức LS trên, các DN phải đáp ứng các thủ tục chặt chẽ của một hợp đồng tín dụng. Nói chung là rất ít DN được hưởng LS như công bố.

Trước đó, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đưa ra chương trình cho vay cá nhân kinh doanh với LS ưu đãi giảm 1%/năm so với LS cho vay thông thường, nhưng hạn mức VIB dành cho gói LS cho vay ưu đãi này cũng chỉ 1.000 tỷ đồng. Và VIB chia sản phẩm này thành hai nhóm: Cho vay bổ sung vốn sản xuất kinh doanh và cho vay đầu tư tài sản cố định. Lãnh đạo NHTMCP Á Châu (ACB) cho biết, nếu có một vài NH giảm LS cho vay thì chắc chắn sẽ có thêm các NH khác giảm theo, bởi đó là xu thế thị trường, ACB cũng phải nằm trong guồng quay đó.

Việc giảm LS cho vay có thể xem là liều thuốc hồi sức giúp giảm bớt nhiều khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngoài 3 NH Vietcombank, VietinBank và BIDV chỉ mới công bố giảm LS cho vay theo nhóm đối tượng, còn những NH khác khi được hỏi thì cho rằng có thể giảm nhưng chưa biết bao giờ. Còn nhớ trước đó, trong tháng 1-2012, trao đổi với báo giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết nếu cuối năm nay, mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát ở mức 9-9,5% đạt được thì mặt bằng LS huy động có thể giảm được xuống khoảng 10%/năm.

Trên thực tế, với tình hình thanh khoản của các NH hiện nay, rất khó có thể hạ LS cũng như bỏ trần LS huy động, ít nhất là hết quý 1, bởi ngoài điều kiện “cần” là yếu tố lạm phát giảm, cần có thêm một điều kiện “đủ” nữa cho mục tiêu giảm LS thị trường là giải quyết được vấn đề khó khăn thanh khoản trong hệ thống NH, bởi sau một thời gian dài, hệ thống NH chủ yếu huy động ngắn hạn rồi cho vay dài hạn, câu chuyện thiếu hụt hay khó khăn về thanh khoản dường như là điều khó tránh. Do đó ở vào thời điểm hiện nay, khi trên thị trường, các DN quay quắt tìm vốn, NH đau đầu vì thanh khoản, việc giảm được LS trong ngắn hạn chắc chắn là khó. Vì vậy, câu hỏi về thời điểm hạ LS dường như còn bỏ ngỏ.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.