.

Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn khó vay

.

Hiện đã có 4 ngân hàng trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước là Đầu tư và Phát triển (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (Vietinbank) và một số NHCP như: Á Châu, Quốc tế (VIB), Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)… công bố hạ lãi suất (LS) cho vay sản xuất kinh doanh xuống còn 15% - 17%/năm. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn LS thấp này.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng tuy giảm nhưng DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay.
Lãi suất cho vay của các ngân hàng tuy giảm nhưng DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Từ đầu tháng 3-2012, VPBank đã triển khai gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng, giảm 3%/năm LS cho vay so với các khoản vay thông thường dành cho doanh nghiệp (DN) vay phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và DN xuất khẩu… Tương tự, 3 NH Đại Á, Tiên phong và Quốc tế lần lượt công bố giảm LS với nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các DN dao động từ 15% - 18%/năm. Trước đó, ACB cũng dành 100 triệu USD cho vay ưu đãi cho DN xuất nhập khẩu... Vietinbank, BIDV, Agribank và Vietcombank đã áp dụng mức LS cho vay hạ hơn so với mặt bằng LS chung trên thị trường từ 0,5 đến 2%. Trong đó, thấp nhất là 14,5% dành cho các khoản cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp của Agribank, 15%  cho vay xuất khẩu của BIDV...

Song trên thực tế, có quá ít DN tiếp cận được nguồn vốn vay này, thậm chí là chưa thể vay, bởi ngoài những yêu cầu khắt khe về thủ tục giấy tờ, về đối tượng được vay… thì điều quan trọng nhất là DN sẽ phải chứng minh mình đang hoạt động ổn định, an toàn và bảo đảm có khả năng trả nợ. Có thể nói, LS cho vay giảm nhưng không nới rộng đối tượng. Do vậy, không ít khách hàng nằm trong đối tượng này vẫn phải vay LS cao do trên thực tế LS cho vay ở mức nào đều nằm trong tay của NH. Ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng phân trần: “Khi đi gửi tiền, chúng tôi được đề nghị gửi 14%, nhưng khi làm hồ sơ vay thì NH bảo LS là 25% thì làm sao DN chịu nổi”. Đây là mức đề nghị cho vay khá cao trong bối cảnh nhiều NH công bố hạ LS cho vay. Tương tự, Giám đốc Công ty Vận tải Hiệp Anh cho biết, hiện nay DN vẫn phải vay với LS trên 20%/năm và NH vừa thông báo chưa có kế hoạch giảm LS. Vì vậy, dù công ty đang cần khoảng 10 tỷ đồng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng cũng không dám vay NH. Thêm vào đó, việc giải ngân nhiều khi “ba cọc, ba đồng” không đủ để sản xuất…

Với lãi suất cho vay của NHTM ở mức cao hiện nay sẽ đẩy chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm tăng lên, làm suy giảm lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh của DN, gây ra tình trạng thua lỗ, phá sản trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này được chứng minh qua con số hơn 1.000 DN trong năm 2011 tạm thời ngừng hoạt động. Còn việc số ít NH hạ LS, với tổng số vốn cam kết cho vay công bố là không lớn, nên DN khó tiếp cận được là điều dễ hiểu.

Ở khía cạnh khác, ông Dương Quốc Hào (HTX Vận tải ô-tô Hòa Liên) đề nghị nên kéo dài thời gian cho vay và số tiền vay lên cao hơn hiện tại, ví dụ như HTX của ông hiện nay khó vay được vốn của NH, nếu có vay được thì thời gian vay quá ít, trong vòng 1 năm, nên việc trả lãi đôi lúc còn gặp khó khăn.

Mặt bằng LS có thể sẽ kéo giảm trong thời gian tới, tuy vậy, để có thể giải tỏa cơn khát vốn của rất nhiều DN nhỏ vẫn cần một cơ chế thoáng hơn từ hoạt động cho vay.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

 

;
.
.
.
.
.