(ĐNĐT) - Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý khoản vay không trả nợ đúng hạn và nới tín dụng phi sản xuất, đồng thời "giải vây" bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý cơ cấu tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. |
Tại buổi họp báo diễn ra hôm nay, 11-4, một nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là tập trung xử lý cơ cấu tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan này cho biết sẽ thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31-5-2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hóa.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vốn, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu; tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vay vốn có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có điều chỉnh đáng chú ý trong “rổ” tính giới hạn tín dụng không khuyến khích (tối đa 16%). Theo đó một số nhóm nhu cầu vay vốn sẽ được loại trừ, tập trung ở tín dụng tiêu dùng, gồm nhu cầu vay vốn mua phương tiện đi lại, mua đồ dùng và trang thiết bị gia đình, chi phí học tập và chữa bệnh trong nước.
"Giải vây" bất động sản
Tại cuộc họp báo, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã quyết định "mở" tín dụng đối với các lĩnh vực không khuyến khích cho vay so với trước kia. Hiện tại, các tổ chức tín dụng đang không "mở van" tín dụng đối với ba lĩnh vực: Chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.
Theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, tuy vẫn giữ nguyên 3 lĩnh vực không khuyến khích cho vay này, nhưng lại mở zoom đối với từng loại đối tượng. Cụ thể, với cho vay tiêu dùng, chỉ hạn chế cho vay chi tiêu ở nước ngoài (thẻ tín dụng, cho vay du học, đi chữa bệnh ở nước ngoài...). Còn cho vay mua sắm trong nước (mua sắm đồ dùng gia đình...) thì không bị hạn chế.
"Về cho vay bất động sản, thì từ cuối năm 2011, đầu năm 2012 các ngân hàng đã từng bước mở dần đối tượng cho vay này. Đến nay, trừ một số nội dung chúng tôi đã liệt kê, còn lại đã mở ra rất nhiều. Ví dụ trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, tức chỉ cho đối tượng mua nhà để ở vay, hiện nay đã cho vay mua nhà để đầu tư, đầu cơ, bán, cho thuê. Tương tự, cho vay để xây dựng nhà để ở, bán, thuê… đã mở ra," Thống đốc Bình cho hay.
Lý giải cho những băn khoăn về việc mở zoom tín dụng trong cho vay bất động sản, Thống đốc Bình khẳng định quyết định này đã được cân nhắc rất kỹ. Thực tế, dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng trực tiếp cho vay bất động sản không cao, khoảng trên dưới 10% và ổn định trong nhiều năm qua. Thế nhưng, dư nợ tín dụng có tài sản đảm bảo là bất động sản lại rất lớn, chiếm khoảng 60%.
Cũng theo Thống đốc Bình, do dư nợ tín dụng ngân hàng liên quan đến bất động sản rất lớn, nên việc từng bước tháo gỡ lĩnh vực này, nhất là trong xây dựng nhà sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến hàng tồn kho (như xi măng, sắt thép), tạo chu chuyển hợp lý trong nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm đồng thời cũng cải thiện nợ xấu cho lĩnh vực ngân hàng.
Mặt khác, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương cũng tái khẳng định, sẽ tiếp tục không khuyến khích cho vay kinh doanh chứng khoán, bởi "về bản chất, vốn ngân hàng là vốn ngắn hạn, không thể dùng đi mua cổ phần, cổ phiếu. Vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán phải là vốn dài hạn, vốn của nhà đầu tư."
Tính đến cuối tháng 3/2012, tỷ trọng cho vay lĩnh vực không khuyến khích chỉ còn 10%, giảm so với mức 11% của cuối năm 2011, chứng tỏ tín dụng ngày càng tập trung cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Dư nợ tín dụng trực tiếp vào bất động sản chỉ xoay quanh 10% và cho vay chứng khoán hiện chỉ khoảng 3%.
Như vậy, với các điểm mới này, Ngân hàng Nhà nước đã loại khoảng 50% những đối tượng, lĩnh vực trước đây không khuyến khích cho vay. Trong khi đó, vẫn giữ nguyên tỷ trọng lĩnh vực phi sản xuất 16%, có nghĩa là cho vay không khuyến khích sẽ tăng lên gấp đôi.
Theo VIETNAM+, VnEconomy