Chỉ trong nửa tháng, từ ngày 10 đến 24-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 2 động thái liên tiếp nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn về vốn, để phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh khi yêu cầu các NH thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng, đồng thời xem xét việc gia hạn nợ với thời hạn phù hợp nguồn trả nợ của khách hàng, giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng trước đây xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành.
Nhiều ngân hàng đã cơ cấu lại nợ và giãn nợ cho doanh nghiệp. |
Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước có khoảng 18.000 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động. Riêng Đà Nẵng, đến cuối năm 2011 có 3.100 DN ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể. Quý 1 năm nay, Đà Nẵng có thêm gần 400 DN nộp đơn xin giải thể. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là DN đã kiệt quệ vì phải gồng gánh lãi suất NH quá cao trong thời gian dài, nay phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho lớn, kéo theo hệ lụy là lãi vay NH ngày càng phình to, trong khi DN vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn lãi suất thấp. Trong tình hình đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) kéo dài thời gian trả nợ phù hợp hơn cho các DN khó khăn tạm thời. Quyết định này được xem là liều thuốc trợ lực tốt cho cả NH và DN trong bối cảnh DN không tiêu thụ được hàng, còn NH gia tăng nợ xấu.
Yêu cầu đặt ra đối với các NHTM là cần giãn nợ, cơ cấu lại nợ để giúp DN vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời bản thân NHTM cũng không bị nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, quá trình này không loại trừ lạm phát sinh nợ xấu buộc NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vì vậy, khâu then chốt trong việc cơ cấu nợ là công tác thẩm định phải làm thật chặt chẽ, khách quan. Nếu không làm chặt thì một số DN sẽ lợi dụng việc này để đẩy nợ. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng đề nghị cần phải tăng cường giám sát, chứ lâu nay cứ để NH tự làm, tự kiểm tra là không ổn. Đồng thời, DN cần chủ động trong việc xây dựng phương án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người, đặc biệt là cần minh bạch tài chính. Hiện có khoảng 82% DN trên địa bàn thành phố gặp khó khăn khi vay vốn tín dụng, hơn 80% khi được vay vốn phải chịu lãi suất rất cao, đáng quan ngại hơn là có 5-6% DN do khủng hoảng về thanh toán, lại không vay được vốn của NH đã tìm đến tín dụng “đen”.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng An Bình chi nhánh thành phố Đà Nẵng, trong bối cảnh khó khăn, bản thân mỗi DN cần nghiêm túc rút ra bài học từ sàng lọc nghiệt ngã của kinh tế thị trường. Bởi lẽ, không thể cứ khó khăn lại kêu than, hay yêu cầu chính sách của Nhà nước, NH phải điều chỉnh theo hướng có lợi. Hiện nay, việc trước mắt DN cần phải làm là cơ cấu lại tổ chức theo hướng gọn nhẹ và có hiệu quả, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm theo hướng tăng lượng sản phẩm có ưu thế và có khả năng phát triển, tiết giảm chi phí…
Để giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, các NH đã có động thái hỗ trợ DN, điển hình như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đưa ra các biện pháp hỗ trợ khách hàng như xem xét cơ cấu lại nợ vay (gia hạn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ) đối với các khoản vay có khả năng không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế. Xem xét cơ cấu tài chính đối với các khách hàng bị mất cân đối vốn do thiếu nguồn vốn đầu tư dự án, mua sắm tài sản cố định. Tính toán giảm lãi đối với các khách hàng có thiện chí trả nợ, miễn giảm phần lãi phạt quá hạn khi khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và phần lãi còn lại. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu cũng đã tập trung cơ cấu lại nợ cho các kỳ hạn, bằng cách kéo dài thời gian trả nợ…
Bài và ảnh: NHẬT ANH