.

Gian nan sắp xếp lại hệ thống ngân hàng

.

Trong định hướng tái cấu trúc và sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, trong quý 1-2012 sẽ sáp nhập từ 5-8 NH. Song đến nay, chỉ 3 NH được sáp nhập là NH Việt Nam Tín Nghĩa, NH Đệ Nhất sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn và NH Nhà Hà Nội sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội.

NH Việt Nam Tín Nghĩa đã sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn.
NH Việt Nam Tín Nghĩa đã sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn.

Một trong những tiêu chí quan trọng để tái cấu trúc lại hệ thống NH là chỉ tiêu vốn điều lệ. Thực tế, có rất nhiều NH vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ của NHNN quy định. Trong khi đó, dự kiến lộ trình tăng vốn điều lệ của các NH sẽ là 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015. Vì vậy, khi yêu cầu vốn tăng cao đồng nghĩa với sức ép về quy mô, dư nợ tín dụng và khả năng hoạt động cũng phải tăng theo. Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có hơn 50 chi nhánh NH trong và ngoài nước cùng các tổ chức phi tài chính, với hơn 200 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, trong đó vẫn còn không ít NH có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, khả năng thanh khoản, trình độ quản trị, điều hành, tỷ lệ an toàn vốn… chưa cao.

Theo đánh giá của NHNN, hệ thống NH Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là sự thiếu tính ổn định, dễ bị tổn thương mỗi khi môi trường kinh doanh biến động bất lợi, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây mất an toàn. Những hạn chế này xuất phát từ các nguyên nhân như năng lực tài chính, quản trị công nghệ, nhân lực, tính cạnh tranh còn thấp. Đây cũng là nguyên nhân cần phải sắp xếp lại hệ thống để có thể hoạt động tốt hơn, dù phải giảm số lượng các NH. Vì vậy, trong những ngày cuối năm 2011 vừa qua, lần đầu tiên NHNN công khai và khẳng định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống NH, bao gồm việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất các NHTM, tổ chức tài chính nhỏ để tạo thành một số lượng các đơn vị lớn hơn, nhằm bảo đảm hoạt động thanh khoản, an toàn hệ thống. Chủ trương này cũng được Đảng và Nhà nước đồng thuận nhằm xây dựng một hệ thống NH an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là các NH chưa muốn sáp nhập với nhau, do các NH lớn nếu muốn sáp nhập các NH nhỏ thì cũng sẽ lựa chọn những NH đang hoạt động tốt để sáp nhập. Họ không muốn phải nhận lấy những nợ xấu nguy hiểm từ những NH nhỏ. Bên cạnh đó, những NH đang gặp khó khăn mà lại sáp nhập với nhau thì sẽ càng khó khăn hơn. Mặt khác, sự phát triển của hệ thống NH trong thời gian qua được cho là thừa về số lượng nhưng chất lượng và quy mô chưa tương xứng, dẫn đến hiện tượng năng lực tài chính của một bộ phận tổ chức tín dụng còn khiêm tốn, chất lượng quản trị, điều hành hạn chế, sản phẩm và dịch vụ nghèo nàn. Đặc biệt, con số nợ xấu đang tăng và sẽ tiếp tục tăng ở mức báo động khi các NH báo cáo là trên 3%, nhưng các tổ chức nước ngoài đánh giá ít nhất là 10%. Ngoài ra, mối quan hệ chằng chịt giữa các NH với tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các mối quan hệ ngoài luồng khác cũng khiến quá trình tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống NH gặp khó khăn…

4 nguyên tắc chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu NH được NHNN nêu ra:

Một là, phát triển hệ thống NH đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ NH từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Về quy mô, hệ thống phải có các NH lớn đủ sức cạnh tranh trong khu vực, làm trụ cột trong hệ thống NH. Bên cạnh đó, cũng có những NH vừa và nhỏ, tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Hai là, việc tái cơ cấu bảo đảm nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống NH.

Ba là, nguyên tắc sáp nhập, hợp nhất NH phải dựa trên sự tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, nghĩa vụ và quyền của những bên liên quan.

Bốn là, căn cứ vào đặc điểm của NH cụ thể để xác định những hình thức, biện pháp cũng như lộ trình thực hiện hợp lý…

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.