Trước khi Thông tư 12/2012/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 11 ngày 29-4-2011 về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD) được ban hành, tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), dịch vụ giữ hộ vàng trả lãi bỗng nở rộ với mức lợi tức khá cao.
Các ngân hàng được phép giữ hộ vàng nhưng phải thu phí. (Ảnh mang tính minh họa) |
Đây được xem là chiêu lách luật của các NH trong việc huy động vàng, bởi đa số dịch vụ giữ hộ vàng đều có chia cổ tức, hoặc tặng quà, khuyến mãi cho khách hàng. Trước tình trạng này, NHNN đã có chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh việc thực hiện quy định về huy động và giữ hộ vàng, và phải thực hiện đúng nguyên tắc về hoạt động quản lý, bảo quản, giữ hộ tài sản. Đồng thời, Thông tư 12 cũng gia hạn thêm thời gian huy động vàng bằng chứng chỉ ngắn hạn của TCTD thêm 7 tháng. NHNN yêu cầu các TCTD không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức thành VND hoặc các hình thức bằng tiền khác, không được sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại TCTD khác.
Trước động thái này, một loạt các NH triển khai các gói huy động vàng mới, như NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã ngưng việc huy động vàng cả năm nay bất ngờ quay trở lại huy động vàng ở các kỳ hạn ngắn 1-6 tháng với mức lãi suất 2%, 2,5%, 3% và 3,5%/năm ứng với mỗi kỳ hạn. Trong khi đó, ở các NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Á Châu (ACB)..., việc huy động lại diễn ra có phần tất bật hơn. Riêng tại ACB, theo biểu lãi suất huy động vàng mới, với sản phẩm chứng chỉ huy động vàng kèm quyền chọn, mức lãi suất 2,3% một năm áp dụng đồng loạt cho các kỳ hạn từ 1, 2 và 3 tháng. Lãi suất này áp dụng cho cả loại vàng SJC và vàng ACB. Song song đó, ACB hiện vẫn áp dụng chính sách lãi suất thưởng 0,4% một năm với sản phẩm chứng chỉ huy động vàng kèm quyền chọn từ 10 lượng trở lên.
Đáng chú ý là trong thời điểm một số NH vẫn đang tích cực huy động vàng thêm 7 tháng, thì một số NH lại chuyển sang dịch vụ giữ hộ và có thu phí theo quy định, cho dù mức thu phí được nhiều người cho là chỉ tượng trưng để đối phó với NHNN, như Ngân hàng Đông Á chỉ nhận giữ hộ vàng có thu phí và khách hàng phải trả phí kiểm định nếu đem vàng từ bên ngoài vào gửi, dù mức phí chỉ mang tính tượng trưng từ 20 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo số lượng. Trong khi đó, dịch vụ giữ hộ vàng của ACB lại không giới hạn thời gian giữ hộ, đồng thời khách hàng có thể rút một phần hoặc toàn bộ số vàng đã gửi, không hạn chế số lần rút. Trên thực tế, do chi phí huy động vàng chỉ khoảng từ 3%/năm, trong khi đó lãi suất cho vay tiền đồng cao ngất ngưởng nên có nhiều ý kiến cho rằng, liệu các NH có dám chuyển toàn bộ lượng vàng được phép bán sau khi huy động, thu tiền mặt về để cho vay với lãi suất 17% đến hơn 19%/năm?
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho rằng: Trước đây, NHNN cho phép một số NHTM được chuyển đổi một phần nhất định trong số vàng huy động để bình ổn thị trường tại những thời điểm cần thiết và mua vàng trên tài khoản quốc tế để cân bằng trạng thái. Thế nhưng tại Thông tư 12, NHNN đã quy định rõ TCTD không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức thành VND hoặc các hình thức bằng tiền khác; không được sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại TCTD khác. Mặt khác, các NH giữ hộ vàng thì được nhưng phải thu phí theo đúng quy định. TCTD phải niêm yết công khai phí dịch vụ quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng, không trả lãi, lợi tức, phí và các hình thức khác cho khách hàng, hạch toán đúng tính chất tài khoản giữ hộ vàng theo quy định của NHNN. Trong thời gian đến, Thanh tra NHNN sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra quyết liệt việc thực thi này và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN