.

Phát triển ngân hàng điện tử

.

Trong thời gian qua, thương mại điện tử của Việt Nam có sự phát triển rất mạnh và ngành ngân hàng (NH) cũng tham gia rất tích cực vào xu hướng đó. Nhiều NH đã tập trung đầu tư nguồn lực phát triển mạng lưới, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, nhất là các sản phẩm, dịch vụ NH điện tử, đa tiện ích.

Ngân hàng điện tử giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ngân hàng điện tử giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí.

Song song với việc phát triển mạng lưới, các ngân hàng thương mại (NHTM) chạy đua phát triển dịch vụ NH điện tử hiện đại. Cuộc chạy đua này luôn đòi hỏi cao về nguồn lực đầu tư, công nghệ và sự sáng tạo trong phát triển dịch vụ NH mới. Các NHTM lớn như Đầu tư và Phát triển (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (Vietinbank), Á Châu (ACB), Kỹ Thương (Techcombank), Đông Á (DongA Bank)... đều tập trung đầu tư một khoản nguồn lực đáng kể vào việc xây dựng, ứng dụng công nghệ để phát triển hàng loạt các dịch vụ NH điện tử. Nhiều NHTM cho ra đời các sản phẩm NH điện tử với nhiều tính năng độc đáo, đa tiện ích mà chủ yếu dựa trên sự ứng dụng của thương mại điện tử, mạng xã hội (Internet banking), mạng viễn thông (SMS banking, Mobibanking). Với khả năng xử lý thông tin trực tuyến, dịch vụ này mang lại nhiều tiện lợi cho khách hàng bằng việc cung cấp các phương thức chuyển khoản, thanh toán và vấn tin tài khoản online. Theo thống kê, 80% các NHTM đã có hoặc đang xây dựng giải pháp NH điện tử, điều đó sẽ giúp hệ thống NHTM theo kịp các nước trong khu vực và quốc tế, đem lại nhiều lợi ích, tiện lợi cho người sử dụng dịch vụ... Theo ông Nguyễn Phan Trường Giang, Phó ban Truyền thông miền Trung Techcombank: NH điện tử có nhiều ưu việt là khách hàng có thể giao dịch ở mọi nơi không phải đến các phòng giao dịch. Thời gian giao dịch không bị hạn chế trong 8 giờ làm việc mà có thể bất kỳ lúc nào kể cả ban đêm, giao dịch nhanh hơn, gọn hơn. Mặt khác, giao dịch điện tử cũng giúp tiết kiệm chi phí, giảm bớt các thủ tục giấy tờ, các giao dịch qua kênh điện tử có chi phí vận hành rất thấp..

Công nghệ hiện đại được ứng dụng ngày càng nhiều trong giao dịch thương mại điện tử, điều này củng cố thêm xu hướng hiện đại hóa công nghệ NH trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiện tại, nhiều NH đã nghiêm túc đầu tư và xây dựng phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ hiện đại trọn gói. Mới đây, Ngân hàng An Bình cũng đã hoàn thiện dãy sản phẩm dịch vụ online banking và mobile banking với việc “trình làng” dịch vụ tiền gửi online esaving và phone banking. Trước đó, NH này ra mắt thành công dịch vụ đăng ký vay vốn trực tuyến, SMS banking và NH trực tuyến online banking. Tương tự, với VCB-iB@nking của Vietcombank, khách hàng có thể thanh toán chuyển khoản; chuyển tiền cho các công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán... ACB cũng đã đầu tư khoảng 10 triệu USD mỗi năm (2011-2015) cho hệ thống CNTT. Trước đó, ACB đã nâng cấp hệ thống Interbanking thành dịch vụ ACB online. Đây là dịch vụ giúp khách hàng thực hiện các giao dịch với ACB không cần phải đến NH, cho phép khách hàng doanh nghiệp có tài khoản tiền gửi thanh toán bằng VNĐ giao dịch với ACB mọi lúc, mọi nơi. Với dịch vụ này, khách hàng có thể thực hiện được các giao dịch truy vấn số dư, truy vấn thông tin giao dịch, chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, chuyển tiền cho người thân bằng CMND hay hộ chiếu, thanh toán các hóa đơn điện, nước, cước viễn thông, chi hộ lương; mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, tất toán trước, đúng hạn tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và vay trực tuyến.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, NH đang bước một bước tiến dài trong lịch sử phát triển của mình. NH đã đến gần hơn với người tiêu dùng nhờ mạng lưới Internet hay viễn thông. Với những lợi ích như trên, NH điện tử chính là giải pháp tiên phong trong việc đơn giản hóa hoạt động thanh toán.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.