.
Lãi suất vay 14%

Khó cho cả hai bên!

.

Trần lãi suất ( LS) huy động một lần nữa lại được hạ từ ngày 28-5 với 11%. Như vậy, lời hứa mỗi quý giảm 1% lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được thực thi. Vậy nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn than khó vì chưa thể tiếp cận được vốn vay lãi suất 14%. Vậy đâu là nguyên nhân?

Ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay.                                   (ảnh mang tính minh họa)
Ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay. (ảnh mang tính minh họa)

Tại Đà Nẵng, cho đến thời điểm hiện tại, phần lớn các DN hầu như chưa vay được vốn với mức lãi suất 14%. Các NH vẫn cho rằng đã sẵn sàng cho DN vay nếu có phương án kinh doanh tốt, nhưng xem ra với tình trạng hiện nay, ít có DN nào đáp ứng được các yêu cầu của NH.

Với quyết định hạ trần LS huy động về 11% và kéo theo trần LS cho vay đối với các lĩnh vực khuyến khích cũng được giảm về 14%, song diễn biến trên thị trường cho thấy mọi việc dường như vẫn chưa thể thay đổi ít ra trong ngắn hạn. Theo quy định, 4 nhóm đối tượng được vay vốn với trần LS 14%/năm thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp - nông thôn, dự án sản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa được dự tính chiếm đến 90% thị phần tín dụng cho vay của khối NH, nhưng lại chỉ nhận được một tỷ lệ giải ngân vốn do các NH đã tự đặt ra với nhiều điều kiện quá khó khăn để có thể vay được. Theo đó, khách hàng vay phải được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, đồng thời các NH đều có những nguyên tắc thẩm định khách hàng nhằm bảo đảm an toàn cho các khoản vay. Ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng giám đốc Thường trực NHTMCP Hàng hải (Maritime Bank), cho biết yêu cầu trước hết của Maritime Bank là các DN trong 12 tháng vừa qua không có nợ xấu tín dụng, tiếp đến là DN có báo cáo kiểm toán và cuối cùng là theo hệ thống đánh giá thương hiệu nội bộ mà NH thường xuyên áp dụng, đối với gói tín dụng này, NH chỉ áp dụng cho nhóm khách hàng A, 2A, 3A.

Nhằm góp phần hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn về tài chính trong bối cảnh diễn ra nhiều biến động khắt khe của nền kinh tế, NHTMCP Kỹ Thương (Techcombank) đã dành nguồn tín dụng lên đến 4.000 tỷ đồng cho khách hàng DN với mức lãi suất áp dụng ưu đãi. Thế nhưng cho đến thời điểm này, vẫn còn khá ít DN tiếp cận được nguồn vốn này. Tình hình này cũng xảy ra nhiều ở các chi nhánh NH khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Việc áp dụng trần LS 14%/năm đối với 4 nhóm đối tượng nêu trên vẫn chưa có nhiều hồ sơ vay, lý do cơ bản nhất là phần đông các DN thuộc nhóm đối tượng này hiện còn nợ NH và hạn mức tài sản thế chấp đã không còn nên không thể lập hồ sơ vay mới. Trên thực tế, qua nhiều năm khó khăn kéo dài, nhiều DN đã thế chấp hết tài sản để vay vốn, dốc vào những dự án sản xuất, kinh doanh, đến thời điểm này đầu ra gặp khó khăn, sản phẩm tồn kho lớn… Trong tình hình như vậy, DN khó có thể chứng minh được tình hình tài chính lành mạnh.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc NHTMCP Ngoại thương (Vietcombank), cho rằng NH này vẫn trầy trật với hoạt động cho vay. Theo ông, hiện tại Vietcombank đang có gói vay phục vụ sản xuất kinh doanh khoảng 10.000 tỷ đồng với LS rất thấp, 12%/năm cho các khoản vay dưới 3 tháng, 12,5% cho các khoản vay từ 3 tháng đến 1 năm, nhưng không có nhiều DN để NH cho vay. Cũng theo ông Thanh, các khoản cho vay LS thấp thì càng phải khắt khe về điều kiện. Do vậy, việc nhiều NH đặt ra nhiều tiêu chí khá khắt khe và cẩn trọng cho vay trong bối cảnh hiện nay là bình thường. Tương tự, lãnh đạo SeABank chi nhánh Đà Nẵng cho biết, bản thân các NH cũng chủ động đi tìm và làm việc với các khách hàng tốt để cho vay vốn theo tiêu chuẩn của NH. Tuy nhiên đến nay, NH cũng chưa sử dụng được nguồn quỹ cho vay vì khó tìm được khách hàng tốt, sở dĩ có hiện tượng này là do các DN bây giờ rất khó hấp thụ vốn.

Theo một số NH tại thành phố Đà Nẵng, vấn đề không phải là các NH không mặn mà cho vay với mức LS ưu đãi, mà thật sự các NH cũng đang rất cần các DN tốt để có thể cho vay vốn, thế nhưng quan trọng là phải bảo đảm thu hồi vốn trong khi nhiều DN đang bị nợ xấu vì hàng tồn kho, nên không thể cho vay được.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.