.

Đà Nẵng: Đã giảm lãi suất cho vay cũ 6.000 khách hàng

.

Theo báo cáo nhanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Đà Nẵng, tính đến đầu giờ chiều ngày hôm qua (23-7), 32 chi nhánh các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn cho biết đã giảm lãi suất (LS) cho vay cũ về mốc 15% của khoảng 6.000 khách hàng với hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Đã có 32 chi nhánh ngân hàng thông cáo hạ lãi suất cho vay cũ.
Đã có 32 chi nhánh ngân hàng thông cáo hạ lãi suất cho vay cũ.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc cắt giảm LS lần này ở các TCTD trên địa bàn vẫn tập trung ở các NHTM lớn, nhất là các NHTM Nhà nước. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) thông báo đã giảm tất cả các khoản cho vay ngắn, trung và dài hạn. Ngân hàng NN&PTNT cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc xem xét các khoản cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên hạ LS cho vay xuống 13%... Về phía các ngân hàng TMCP, có thể thấy rằng việc đồng thuận hạ LS cho vay về 15% thực hiện có chậm hơn, gần 10 chi nhánh trên địa bàn chưa có báo cáo về NHNN.

Hiện chỉ có quy định về trần LS huy động, chưa có quy định về trần LS cho vay nên việc hạ LS các khoản cho vay cũ về 15%/năm chỉ là đề nghị của NHNN với các NHTM. Nhưng sau 8 ngày triển khai, đa số NH đã cam kết giảm LS các khoản vay cũ về 15%/năm, song mỗi NH lại thực hiện theo mỗi cách khác nhau. Có NH thông báo hạ theo từng khoản vay, có NH thông báo hạ kèm tiêu chí, có NH chỉ thống kê lập danh sách gửi về hội sở... Như vậy, để  doanh nghiệp (DN) chính thức được hưởng lợi từ việc hạ LS cho vay cũ về mốc 15%, phải đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8-2012. Qua trao đổi với các lãnh đạo chi nhánh một số NH trên địa bàn, chúng tôi được biết các NH lấy mốc ngày 15-7 để tính hạ lãi vay.

Một thông tin nữa rất đáng quan tâm là vừa qua tại Hội nghị sơ kết với ngành ngân hàng Hà Nội, Thống đốc NHNN cũng cam kết LS 15%/năm sẽ được giữ ổn định ít nhất trong vòng 1 năm. Theo Thống đốc, việc giảm LS cho vay về 15%/năm chỉ là đề nghị của NHNN, song NH nào có điều kiện thì phải giảm ngay. Hệ thống NH đang tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn nhưng không thể bằng mọi giá cứu mọi DN được. Để bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho DN, bản thân các DN và NH phải tái cấu trúc. DN nào có điều kiện phát triển tốt, hiệu quả kinh doanh tốt thì vốn của NH sẽ tập trung vào đó, có như vậy mới tạo ra động lực cho nền kinh tế.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.