.

Nên hạ thấp hơn nữa lãi suất cho vay

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Văn Hữu Thiết cho rằng: Trong thời gian vừa qua, các ngân hàng (NH) đã có động thái hạ lãi suất (LS) cho vay các khoản vay cũ về mốc 15% cũng như hạ LS các khoản cho vay mới. Tuy nhiên, cách hạ ở mỗi NH có khác nhau, nhất là các khoản vay cũ. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã “chết” vì các khoản vay cũ ở mức lãi suất cao từ 20-23% quá lâu. Theo ông, lãi suất cho vay nên dừng ở mức từ 10 - 12%/năm là hợp lý. Cũng theo ông Thiết, khi tăng LS thì các NH tăng đột ngột và tự động tăng, còn khi hạ LS thì các NH hạ một cách chậm rãi và nhìn xem các NH khác hạ như thế nào để làm theo. Đây cũng là một nghịch ý trong thị trường tiền tệ hiện nay. Với mốc vay mới của các NH hiện nay chưa hấp dẫn nên các DN chưa muốn, hoặc chưa thể vay để tiếp tục sản xuất. Trên thực tế, LS 15%/năm đối với DN sản xuất vẫn là cao, phải hạ thấp hơn nữa. Không ít DN nhiều tháng nay làm ăn đình đốn nên không đủ điều kiện, rất khó tiếp cận vốn vay LS thấp.

DN vẫn mong muốn lãi suất hạ hơn nữa.
DN vẫn mong muốn lãi suất hạ hơn nữa.

Nhiều DN cho biết, việc hạ LS chỉ thực sự giúp ích cho DN khi họ tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ. Thực tế, có DN đã vay được vốn ngân hàng với LS ưu đãi, song nhìn chung, không ít DN vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, công nợ tăng cao, do vậy nhiều DN đã hết tài sản thế chấp. Trong khi đó, để được vay mới, các NH lại đặt ra nhiều điều kiện khắt khe, như làm ăn 3 năm liên tục gần đây có lãi, không có nợ xấu, đã được kiểm toán, có tài sản bảo đảm và quan trọng nhất phải có dự án, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP  SQ Việt Nam cho biết hiện DN của ông vay vốn tại 4 NH, trong đó chỉ mới có NH Đầu tư và Phát triển đã hạ LS cho vay cũ về mốc 15% và cho vay mới 12%. Còn 3 NH là Sài Gòn Thương Tín (lãi suất vay 16%), Kỹ Thương (17%) và Phương Đông (18%) thì chưa được hạ lãi vay cũ về mức 15%. Các NH này đưa ra điều kiện phải trả hết tiền vay này thì mới được vay mới với lãi suất ưu đãi.

Trước thực tế này, các DN đề nghị các NH nên xem xét lại các điều kiện cho vay mới đối với DN phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, trong trường hợp cần thiết, thành phố đứng ra bảo lãnh cho DN vay vốn, đồng thời nên lập quỹ bảo lãnh tín dụng, hoặc quỹ hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ. Đối với hàng tồn kho, đây là khó khăn lớn của các DN sắt, thép, xi-măng, vật liệu xây dựng, nếu được nên xem là hàng thế chấp để được bảo lãnh vay. Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phong Phú Thịnh cho rằng LS tối ưu cho các DN khoảng 12% là hợp lý nhất. Nhà nước nên có chính sách để DN vay vốn trung hạn đầu tư cho sản xuất, xây dựng cơ bản dài hơn.

Bài và ảnh: NHẬT ANH

;
.
.
.
.
.