.

Ám ảnh lãi vay!

.

Đau đầu vì đối mặt các khoản vay cũ với lãi suất cao hơn mức 15%, trong khi vốn đầu tư cho công trình lớn, nhưng doanh thu thấp hơn so với mọi năm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn (KS) đang lao đao.

Các doanh nghiệp khách sạn phải trả tiền vay cũ với lãi suất trên 15% (ảnh minh họa).
Các doanh nghiệp khách sạn phải trả tiền vay cũ với lãi suất trên 15% (ảnh minh họa).

Ám ảnh vì lãi vay

Ám ảnh là hai từ ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất mà bà Nguyễn Thị Túy Vân, chủ 3 KS Life, Magnolia và Thủ Đô, kiêm Chủ tịch Hiệp hội KS Đà Nẵng, dùng để nói về áp lực đối mặt với lãi vay. Theo tính toán của bà Vân, mỗi tháng, cứ 10 tỷ đồng doanh thu từ KS, thì số tiền lãi phải trả đã gần 4 tỷ đồng. Nếu kể các khoản chi phí cho khấu hao, điện, nước, bảo dưỡng và lương cho 500 nhân viên, có tháng gần như hòa vốn, thậm chí lỗ. Bà phải dùng doanh thu của các KS nhỏ để đắp đổi cho KS lớn. Cách đây không lâu, bà Vân bán 51% cổ phần KS Life trả nợ và lãi ngân hàng.

Cũng như bà Vân, các giám đốc (GĐ) điều hành của các KS lớn đều lao đao, đầu tắt mặt tối với các khoản vay cũ. Theo phân tích của các doanh nghiệp, chi phí đầu tư cho KS rất lớn và thường phải vay ngân hàng từ 30 đến 50% giá trị với lãi suất ban đầu khi lập dự án chỉ khoảng 10 - 11%. Mức lãi tăng dần, có lúc lên 24%, nay đã hạ nhưng vẫn cao hơn mức mà Thống đốc NHNN khẳng định là 15%. Do đó, các doanh nghiệp đều “mất ăn, mất ngủ” khi hằng ngày phải tìm cách trả lãi suất. Chịu lãi vay không nổi, có doanh nghiệp phải bán cả KS rồi thuê lại để kinh doanh.

Ông Trịnh Bằng Có, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Phương Đông Việt, trực tiếp điều hành KS Phương Đông nói rằng, thời gian xây dựng dự án rất dài, trong khi chu kỳ trả nợ ngắn, mỗi tháng, KS phải đáo hạn từ nhiều nguồn khác nhau để trả bình quân 28% lãi suất trên tổng doanh thu. “Trong thời điểm này, không ai dám vay mới để đầu tư cả, mà đa số chỉ vay lưu động để kinh doanh”, ông Có cho biết.

Cần được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ

Ông Có nói rằng, KS có thể xoay xở được nếu tình hình kinh doanh bình ổn và có lãi. Tuy nhiên trên thực tế, lượng khách du lịch năm nay đến Đà Nẵng tăng, nhưng doanh thu ở các doanh nghiệp lại giảm do mặt bằng giá tăng cao hơn mọi năm từ 10 - 15%, trong khi KS gần như phải giữ nguyên mức giá năm ngoái để giữ khách. “Thêm vào đó, do tình hình kinh tế khó khăn, khách du lịch bắt đầu chuyển dần cơ cấu sử dụng dịch vụ, lựa chọn các KS rẻ tiền hơn, như vậy, doanh thu của chúng tôi giảm dần”, ông Có trần tình. Theo một GĐ KS khác, sản phẩm tồn kho của các DN sản xuất, thương mại sẽ giải quyết được nếu hạ giá bán, nhưng hàng “tồn kho” của KS là phòng ngủ không thể giảm giá tức thì để có khách, trong khi DN vẫn chịu chi phí điện, nước, nhân công như thường.

Bà Vân khẳng định: “Tuyên bố giảm lãi vay cũ xuống dưới 15% của Thống đốc NHNN gần như không có hiệu lực, vì các ngân hàng thực thi không như mong đợi. Chúng tôi là những người làm du lịch mấy chục năm rồi, có nhiều nguồn khách khác nhau mà cũng chịu không thấu. Các doanh nghiệp (DN) đều phải tự lo lấy, chứ không thể tin và chờ đợi vào lời nói suông được”. Vì vậy, bà Vân nói “nhẹ cả người” khi bán hơn phân nửa cổ phần trả nợ.

“Trong khi chờ các ngân hàng hạ lãi suất và có cơ chế cho vay nhanh chóng hơn, điều DN cần bây giờ là Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp với các chính sách giảm thuế đất, một trong những khoản phí rất lớn đối với các DN KS vì diện tích mặt bằng của KS, resort rất lớn”, ông Có kiến nghị. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng GĐ Công ty CP Du lịch Việt Nam - Vitours cũng đề xuất về việc nới rộng phạm vi áp dụng gói hỗ trợ của Chính phủ sang các đơn vị kinh doanh dịch vụ, khi ngành du lịch Đà Nẵng và cả nước đang thực sự khó khăn. “Ngoài ra, các DN phải ngồi lại với nhau đưa ra các nhóm sản phẩm kích cầu, từ hàng không, khách sạn, nhà hàng, đến các DN lữ hành bán sản phẩm, chấp nhận lãi thấp để kích thích nhu cầu, nếu không, rất nhiều doanh nghiệp du lịch sẽ lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng”, ông Dũng nói.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
 

;
.
.
.
.
.