.

Giá vàng sẽ hết “nhảy múa”?

.

Khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-5-2012, không ít người dân nắm giữ vàng tỏ ra khá băn khoăn là có nên bán hết số lượng vàng miếng đang cất trữ vào thời điểm này hay không?

Nghị định 24 ra đời sẽ từng bước đưa hoạt động kinh doanh vàng đi vào ổn định.
Nghị định 24 ra đời sẽ từng bước đưa hoạt động kinh doanh vàng đi vào ổn định.

Thấp thỏm giữ vàng

Chị Nguyễn Thị Linh, trú phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu) cho biết: “Vàng thời điểm này lên xuống bấp bênh nên thật sự tôi cũng không muốn bán. Tuy nhiên, cũng có người khuyên là nên bán đi vì nếu vàng để đến hết năm nay sẽ rất khó bán”. Lo lắng của chị Linh cũng là lo lắng chung của rất nhiều người dân đang cất trữ vàng miếng. Tuy nhiên, những lo lắng này là hoàn toàn không có cơ sở, bởi theo Thông tư 16/TT-NHNN ngày 25-5-2012 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2012 của Chính phủ thì đến ngày 10-1-2013 mới chấm dứt việc kinh doanh mua bán vàng miếng của các doanh nghiệp (DN) và tiệm vàng nếu không đủ điều kiện được cấp phép. Hiện nay, các DN kinh doanh vàng và các tiệm vàng vẫn còn thời hạn tiếp tục giao dịch mua bán vàng miếng.

Qua khảo sát thị trường vàng trên địa bàn cho thấy, hiện giao dịch mua – bán vàng vẫn diễn ra bình thường. Chị Lê Thị Mỹ, chủ một tiệm vàng trên đường Tôn Đức Thắng cho hay: Khi mới ban hành Nghị định, lượng người đến giao dịch vàng rất thưa thớt. Hơn nữa, khách đến giao dịch chủ yếu để nghe ngóng, dò hỏi thông tin. Nhưng sau khi người dân đã nắm rõ thông tin thì hoạt động giao dịch mua – bán vàng tại các cửa hàng kinh doanh vàng đã trở lại bình thường. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số DN, tiệm vàng lớn, có uy tín… đã được các DN hay tổ chức tín dụng (những DN đủ điều kiện được cấp phép kinh doanh vàng miếng) mời tham gia làm mạng lưới kinh doanh vàng miếng, còn một số tiệm vàng có quy mô nhỏ thì xin thêm chức năng cầm đồ để giao dịch (thay cho chức năng kinh doanh vàng miếng).

"Hiện người dân đang nắm giữ vàng, đặc biệt là vàng miếng nên cập nhật đầy đủ thông tin về hoạt động quản lý, kinh doanh vàng cũng như nắm bắt thời giá thị trường để có quyết định đầu tư đúng đắn. Hiện pháp luật vẫn thừa nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân nên người dân có thể mua vàng trong các cửa hàng nữ trang mà không phải phụ thuộc vào giờ hành chính mới mua bán vàng của các doanh nghiệp và ngân hàng đủ điều kiện. Khi cần bán vàng, người dân có thể ra các điểm có giấy phép của Nhà nước để bán vàng đổi lấy VNĐ một cách dễ dàng"

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ vàng?

Ông Nguyễn Văn  Lý, Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng cho rằng: Nghị định 24 “ra đời” sẽ đưa hoạt động kinh doanh vàng từng bước ổn định và đi vào nền nếp; đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ, gây bất ổn thị trường vàng – tiền tệ như những năm vừa qua. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sự điều hành quyết liệt của các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai Nghị định này. Ngoài ra, quy định tại Nghị định còn cấm dùng vàng làm phương tiện thanh toán, sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý cất trữ, tiêu dùng của người dân và giới đầu tư, đầu cơ… Vì vậy, việc mua - bán vàng, giao dịch bằng vàng sẽ dần dần được giảm bớt và người dân cũng như giới đầu tư sẽ chuyển hướng sang đầu tư vào các hoạt động hữu ích khác. Ngoài những ưu điểm, Nghị định 24 cũng còn có một vài hạn chế như chưa quan tâm đến nhu cầu mua sắm vàng (một truyền thống đã có từ lâu đời nay của người dân) nhằm mục đích góp phòng xa, bảo toàn giá trị tài sản bằng vàng của người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vì ở những nơi này chưa có các doanh nghiệp, mạng lưới đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng theo điều kiện quy định của Nghị định 24; nhân dân ở nơi này sẽ phải gặp khó khăn khi cần mua sắm vàng miếng SJC thương hiệu vàng quốc gia và điều này dễ dẫn đến việc mua bán “chui” như việc mua bán “chui” ngoại tệ đã từng xảy ra.

Cũng theo ông Lý, kể từ khi Nghị định 24 được ban hành, thị trường vàng đã dần đi vào ổn định. Mặc dù mới có hiệu lực song những tín hiệu thị trường đã phản ánh hạn chế đáng kể tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng trong thời gian gần đây. Giá vàng trong nước trong thời gian qua có biến động chủ yếu do sự biến động của giá vàng thế giới. Sự biến động bất thường, hoặc không tích cực do yếu tố đầu cơ, hoặc do tác động từ quan hệ tỷ giá-giá vàng đã giảm hẳn trong thời gian qua. Giá vàng thế giới trong những tháng gần đây biến động trong biên độ hẹp 1.560 - 1.600 USD/Oz, chủ yếu do tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, nợ công lan rộng ở khối Eurozone chưa được giải quyết dứt điểm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED chưa tung thêm gói kích thích kinh tế, nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới như Ấn Độ giảm mạnh nhập khẩu vàng... Trong khi đó, vàng không phát huy được cả hai vai trò chống lạm phát và chống khủng hoảng. Do vậy, giá vàng thế giới vẫn “lình xình” quanh mốc 1.560 – 1.600 USD/Oz chưa bứt phá lên được, lại có nguy cơ tiếp tục giảm về mốc 1.500 USD/Oz, nếu như các nhà đầu tư tiếp tục cắt lỗ hoặc chốt lời. Tình trạng này, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính sẽ còn kéo dài đến hết tháng 8-2012, sau đó giá vàng thế giới mới có thể hồi phục dần. Vì vậy, thị trường vàng trong nước sẽ hết cảnh “nhảy múa” bất thường như những năm trước, đồng thời giá vàng tăng hay giảm là tùy thuộc vào giá vàng thế giới.

Theo điều kiện quy định tại Nghị định 24, trong số gần 12.000 DN  kinh doanh vàng bạc, đá quý của cả nước hiện nay, chỉ có rất ít DN lớn như SJC, PNJ, DOJI, SBJ... và một số tổ chức tín dụng (đã có giấy phép kinh doanh vàng trước đây) đủ điều kiện để được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng. Số đông doanh nghiệp kinh doanh vàng còn lại và các tiệm vàng chỉ được cấp phép kinh doanh vàng trang sức và mỹ nghệ.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.