.

Hạ lãi suất tới đâu?

.

Như vậy, đã bước sang tuần thứ 3 thực hiện yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc áp dụng giảm lãi suất (LS) đối với các khoản vay cũ xuống 15%, tình hình trên thị trường vẫn chưa có sự chuyển biến so với trước đó. Gần như đầy đủ các NH gửi báo cáo đến NHNN thông báo chấp thuận theo yêu cầu của Thống đốc, còn doanh nghiệp (DN) thì vẫn kêu khó.

Lãi suất thấp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. (Ảnh mang tính minh họa)
Lãi suất thấp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. (Ảnh mang tính minh họa)

Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố cho biết: Đến nay, đa số các NHTM quốc doanh trên địa bàn đã gửi thông báo giảm LS cũ về mức 15% từ ngày 15-7 cho DN và hộ dân theo quy định của NHNN như Đầu tư và phát triển (BIDV) Đà Nẵng, Hải Vân; NN và PTNT (Agribank) Đà Nẵng, Hải Châu; Công thương (Vietinbank) Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Bắc Liên Chiểu; Ngoại thương (Vietcombank) Đà Nẵng... Tuy nhiên, phần lớn các NHTM ngoài quốc doanh vẫn đang áp dụng mỗi nơi một kiểu và trình bày nhiều lý do khác nhau.

Trên thực tế cho thấy, nhiều NH thậm chí chưa hạ LS cho vay cũ. Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP SQ Việt Nam cho hay: Có đến 3 NHTMCP mà DN ông đang vay là Sài Gòn Thương Tín (LS vay 16%), Kỹ Thương (17%), và Phương Đông (18%) đến nay vẫn chưa hạ lãi vay cũ về mức 15%. Một số giám đốc DN cũng cho rằng chưa được hạ LS cũ về mức 15% bởi các NH còn đưa ra một số tiêu chí yêu cầu DN đáp ứng mới hạ lãi vay cũ.

Tuy nhiên, có một thực trạng rất đáng quan tâm và khá phổ biến là lâu nay các DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay của NH, nên khi NH cắt vốn là ngay lập tức DN “hấp hối”. Qua tính toán cho thấy, hầu hết các DN có cơ cấu về vốn rất mong manh. Các DN tư nhân có vốn chủ sở hữu trên tổng vốn hoạt động ở mức 15-20%, trong khi đơn vị Nhà nước, mức này chỉ là 10%. Mặt khác, vì dựa chủ yếu vào vốn của NH, nên NH yêu cầu LS bao nhiêu DN cũng phải vay, tình trạng này khiến cho lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi vay NH. Vì vậy, khi DN sắp phá sản, NH muốn cứu nhưng NH cũng phải xem xét lại và không muốn “chết” theo doanh nghiệp.

Nguồn thu chính của NH là từ tín dụng, đây chính là lý do NH giảm LS có chọn lọc. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện có nhóm NH chỉ giảm LS vay cũ các khoản thuộc 4 nhóm ưu tiên của NHNN như Đông Á, Sài Gòn, Việt Á. Còn NH Quân đội chi nhánh Đà Nẵng (MB) chỉ giảm cho các khách hàng truyền thống, khách hàng tốt, có tài khoản bảo đảm và dòng tiền về MB. Bên cạnh đó, không ít các chi nhánh NH còn đưa ra lý do là chờ sự hướng dẫn của hội sở như NH Quốc tế, Á Châu, Phương Đông, Nam Việt, Xăng dầu, Đại Tín, Việt Nam Thương Tín, Kỹ thương... Cá biệt, có chi nhánh NH không có báo cáo, chỉ trả lời NHNN là chỉ đạo chung không rõ ràng như NH Phương Nam, Đông Nam Á, Đại Dương, VID PUBLIC...

Như vậy có thể khẳng định rằng, việc hạ LS cũ về 15% cho các DN sẽ không được triển khai đồng loạt cho tất cả các đối tượng, cho tất cả các khoản vay, mà sẽ dựa trên sự chọn lọc của từng NH, từng nhóm đối tượng... Chính vì vậy, nhiều DN kêu LS vẫn ở trên mức 15%/năm, thậm chí 16, 17, 19% là khá phổ biến, số khách hàng được giảm LS về 15% còn khiêm tốn. Trước khó khăn chung của cộng đồng DN, NHNN Chi nhánh thành phố đã có văn bản yêu cầu các NH trên địa bàn thực hiện ngay việc hạ LS các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm theo yêu cầu của Thống đốc NHNN.

Để số lượng các DN và cá nhân được hạ LS cho vay cũ nhiều hơn nữa, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, sự đồng thuận cao của các NH.  

Bài và ảnh: NHẬT ANH

 

;
.
.
.
.
.