.

Không dám vay tiền ngân hàng

.

Đó là tình hình chung của các đơn vị vận tải hành khách, nhất là các HTX vận tải hiện nay. Các đơn vị kinh doanh vận tải cho biết, với lãi suất lên đến 18 - 19%/năm như thời gian qua, cố lắm cũng vừa đủ trang trải chi phí và trả lãi ngân hàng, còn tiền khấu hao phương tiện coi như không có.

Do ngân hàng chỉ cho vay tối đa 30% giá trị của xe, với lãi suất khá cao nên ít người vay vốn để mua sắm phương tiện.
Do ngân hàng chỉ cho vay tối đa 30% giá trị của xe, với lãi suất khá cao nên ít người vay vốn để mua sắm phương tiện.

Giải thích với chúng tôi về việc không dám vay này, ông Đặng Tư, Chủ nhiệm HTX hỗ trợ dịch vụ vận tải đường bộ Liên Chiểu, phân tích: Ít ngân hàng chịu cho HTX vay vốn, nếu có thì điều kiện rất chặt chẽ như họ chỉ cho vay tối đa 30% so với giá trị của phương tiện, đồng thời giấy tờ xe họ giữ. Chiếc xe 1 tỷ đồng chỉ vay được 300 triệu, với lãi suất 19%/năm tính ra mỗi tháng phải trả ngân hàng gần 5 triệu đồng. Nếu chạy các tuyến đường cự ly trung bình như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Nha Trang… mỗi tháng chạy được khoảng 10 phiên, mỗi phiên đi và về 2-3 ngày, như vậy mỗi ngày phương tiện hoạt động phải trả cho ngân hàng 250 ngàn đồng, cộng với tiền xăng xe, tiền tài xế, phụ xe… mỗi chuyến hết một triệu đồng. Đây là áp lực rất lớn khiến cho chủ phương tiện không mặn mà với việc vay vốn ngân hàng.

Chung quan điểm này, ông Trần Đoan, Chủ nhiệm HTX dịch vụ vận tải và hỗ trợ du lịch Đà Nẵng, cho biết từ 4-5 năm nay, HTX và các xã viên không còn vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện. Thậm chí, việc ngân hàng giảm lãi suất xuống 15%/năm hay thấp hơn nữa thì xã viên cũng không dám vay, vì hầu hết các tuyến đường cố định thường chỉ có 50 - 60% số ghế có khách. Lượng khách này vừa đủ trang trải các chi phí cần thiết, nếu trả thêm tiền vay ngân hàng nữa sẽ lỗ. “Đây cũng là lý do hiện nay phổ biến “chồng lái xe, vợ phụ xe” để giảm các chi phí”, ông Đoan cho biết thêm.

Quả thực trong lúc hoạt động vận tải hành khách đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn do cung vượt cầu, thì chuyện vay vốn ngân hàng là điều mà nhiều người không còn nghĩ tới từ nhiều năm nay. Bà L.T.P.T, một chủ phương tiện chạy tuyến Đà Nẵng-Vinh cho biết thêm: “Hầu hết chủ phương tiện đều chọn cách huy động tiền từ người thân với lãi suất có phần cao hơn ngân hàng bởi thủ tục không phức tạp như ngân hàng, giấy tờ xe mình giữ, nhất là khi nào mình có tiền thì trả hết một lần cũng được. Còn với ngân hàng, hầu hết các hợp đồng cho vay đều “trói” chúng tôi với điều kiện phải vay thời hạn 5 năm và không được trả trước. Gần như chúng tôi làm quần quật chỉ đủ ăn, còn bao nhiêu lời là “nuôi” các ngân hàng”.

Cũng chính từ việc vay vốn ngân hàng với lãi suất quá cao và điều kiện rất khó khăn, nên tại Đà Nẵng đang xảy ra tình trạng các doanh nghiệp, các HTX  bị “chảy máu” phương tiện. Nhiều chủ phương tiện xin ra riêng để thành lập doanh nghiệp (DN) tư nhân với quy mô rất nhỏ, chỉ từ 2-3 phương tiện. Và đây cũng là nỗi lo của các cơ quan chức năng, vì các DN tư nhân có quy mô nhỏ thường lách các quy định hiện hành để khai thác tối đa phương tiện. Phổ biến nhất là tình trạng ngoài những ngày có lịch chạy theo phiên phân công của bến xe, còn lại họ đưa xe ra đường chạy “dù” để tăng thu nhập. Khi trao đổi với chúng tôi, hầu hết các DN này đều cho biết với lượng khách và phiên chạy như hiện nay, nếu không quay vòng phương tiện liên tục thì không những thiếu tiền trả lãi vay hằng tháng mà còn không có tích lũy tái đầu tư phương tiện mới thay thế phương tiện cũ đã hết hạn sử dụng.

Bài và ảnh: THANH VÂN
 

;
.
.
.
.
.