(ĐNĐT) - Hạ lãi suất (LS) và mở rộng phạm vi cho vay đang là những động thái mới nhất của các ngân hàng (NH) nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tiếp cận được nguốn vốn vay với mức LS như hiện nay, bởi NH vẫn cương quyết nói không với những DN khó có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Hạ LS xuống còn 15%/năm nhưng không phải DN nào cũng vay được. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Techcombank Đà Nẵng |
“Phao cứu sinh” cho DN “khỏe”
Ông Văn Hữu Thiết, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, cho biết thời gian qua, các DN đã phải chịu áp lực về LS cao kéo dài ở các khoản vay cũ, khó tiếp cận khoản vay mới, nợ xấu và nợ quá hạn khiến các DN hoạt động trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.
Tính đến cuối tháng 5-2012, đã có 4.100/14.000 DN phải ngừng hoạt động, hàng nghìn DN thu hẹp quy mô sản xuất và kinh doanh, cắt giảm lao động, ứ động hàng tồn kho.
Một tín hiệu vui khi mấy tháng trở lại đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã liên tiếp thực hiện việc điều chỉnh hạ LS cho vay đối với DN. Cùng với đó là hàng loạt gói hỗ trợ trị giá hàng trăm tỷ đồng nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, thông tin về việc các NH trên địa bàn cam kết điều chỉnh các khoản vay cũ và mới về mức 15%/năm từ ngày 15-7 vừa qua như một chiếc “phao cứu sinh” cho DN.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong đợt điều chỉnh LS cho vay lần này của các NH, rất nhiều khoản vay trước đây bị "khoanh vùng" hạn chế cho vay như vay bất động sản, vay tiêu dùng, chứng khoán… cũng đã được nới lỏng. Thậm chí, có NH đang thực hiện việc áp dụng LS cho vay ngắn hạn là như nhau đối với mọi khoản vay.
Ông Văn Hữu Thiết
|
Ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN TP. Đà Nẵng cho hay: Sau gần 1 tháng điều chỉnh LS, tính đến ngày 27-7 đã có hơn 8.000 DN được giảm LS, gia hạn nợ, với tổng dư nợ được điều chỉnh hơn 12 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã có trên 1.400 khách hàng được các NH trên địa bàn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tương đương với dư nợ 1.987 tỷ đồng. Đồng thời, đã có 427 khách hàng được miễn giảm lãi vốn vay tương đương với số tiền miễn giảm là hơn 500 tỷ đồng.
Ngân hàng “né” doanh nghiệp “yếu”
Những hỗ trợ của NH thời gian qua có thể khẳng định quyết tâm đồng hành cùng DN trong hoạt động nhằm vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, hạ LS không đồng nghĩa với việc hạ tiêu chí cho vay đối với DN. Nói cách khác, không phải mọi DN đều có thể tìm được "phao cứu sinh" là nguồn vốn NH.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chuyển giao Công nghệ K& H, cho biết việc NH giảm LS cho vay đã bớt đi gánh nặng cho DN. "Nếu lúc trước mỗi tháng DN phải trả tiền lãi gần 40 triệu đồng cho khoản vay 2 tỷ, thì hiện con số này đã giảm gần một nửa", ông Khải cho biết.
Ông Khải cho biết thêm, sau khi LS giảm xuống còn 15%/năm, DN của ông đã được rất nhiều NH chào mời vay vốn với mức LS này, tuy nhiên khi ông giới thiệu cho một số DN đang gặp khó khăn về nguồn vốn thì không ít NH đều “né”.
Đại diện lãnh đạo một NHTM cho rằng: Bản thân NH cũng là DN, cũng phải hạch toán lỗ lãi và đảm bảo sự tăng trưởng cho chính mình. Nếu cho vay tràn lan mà không xác định được khả năng trả nợ của khách hàng thì chính NH cũng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn không thể tháo gỡ.
Còn theo Chi nhánh NHNN TP Đà Nẵng, trong thời gian tới hệ thống NH tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho DN, song không thể bằng mọi giá và cứu mọi DN. Với DN có điều kiện phát triển tốt, kinh doanh có hiệu quả, hoặc những DN gặp khó khăn tạm thời nhưng tương lai phát triển tốt thì hệ thống NH sẽ tập trung vốn, chia sẻ, giúp đỡ để DN nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.
“Sức khỏe của DN cũng như con người, nếu DN đã có “bệnh” mà hết thuốc chữa tốt nhất nên để DN đó phá sản, bởi nếu tiếp tục bỏ tiền vào “chữa trị” cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, không khéo DN đó còn kéo theo NH vạ lây”, giám đốc một NHTM trên địa bàn thành phố ví von.
Trước những tác động của nền kinh tế hiện nay, rõ ràng các dự án phát triển của DN trên địa bàn đều đang đứng trước khó khăn khi thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá nguyên liệu leo thang... Nhiều DN đang “khát” vốn phát triển dự án, mở rồng sản xuất kinh doanh, còn NH thì lại muốn “chắc ăn” với dự án tốt. Như vậy, nhu cầu của không ít DN vẫn chưa được NH đáp ứng trong thời điểm này.
Ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN TP. Đà Nẵng: “Để hỗ trợ tối đa cho nền kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm của ngành Ngân hàng Đà Nẵng đặt ra: từng chi nhánh tổ chức tín dụng phải đánh giá tình hình hoạt động tín dụng đối với từng ngành, lĩnh vực kinh tế, xây dựng kế hoạch tín dụng sát với tình hình thực tế, phù hợp với chủ trương, định hướng của NHNN, của thành phố; tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung vốn tín dụng cho 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ”. |
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP Đà Nẵng, đến tháng 6-2012, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 42.521 tỷ đồng, tăng 9,38% so với cuối năm 2011. Trong đó, huy động vốn VNĐ tăng 12,46% và huy động vốn ngoại tệ giảm 7,73%. Lượng tiền gửi từ dân cư tăng 9,2% và tiền gửi từ các tổ chức kinh tế tăng 9,45%. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn ước đạt 48.132 tỷ đồng, giảm 0,42% so với cuối năm 2011. Trong đó dư nợ cho vay bằng VNĐ ước thực hiện 40.583 tỷ đồng, tăng 2,51%; cho vay bằng ngoại tệ thực hiện 7.549 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cuối năm 2011. Các dư nợ chủ yếu đến từ lĩnh vực công nghiệp (21,37%), thương mại và dịch vụ (19,45%), xây dựng (12,8%) … |
Bài và ảnh: Trọng Hùng