(ĐNĐT) - Thị trường chứng khoán Việt Nam sáng nay (21-8), lao dốc sau thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt.
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Internet |
Trang tin Cafef đưa tin, thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực với thông tin bầu Kiên bị bắt bởi ông là một cổ đông của ACB.
Các cổ phiếu ngân hàng liên quan, như: EIB, STB giảm sàn hàng loạt, do chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN-Index và HNX-Index nên khi các cổ phiếu ngân hàng giảm sàn, HNX-Index giảm hơn 4% còn VN-Index giảm 3%.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 4,23%, ACB dư bán sàn 1 triệu cổ phiếu, EIB dư bán sàn 2 triệu cổ phiếu. Tất cả các cổ phiếu HNX30 gần như giảm sàn đồng loạt
VN-Index giảm 15,24 điểm, hai sàn giảm mạnh, VN-Index giảm 15,83 điểm, toàn thị trường có 170 mã giảm giá. EIB dư bán sàn 2 triệu cổ phiếu sau tin bầu Kiên bị bắt để điều tra về các hoạt động kinh tế của ông này.
Sáng 21-8, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng (NH) ACB, cũng là người phụ trách phát ngôn của NH này, cho biết việc ông Kiên bị bắt là việc của cá nhân ông Kiên.
Hiện ông Kiên không còn là cổ đông lớn, cũng không phải thành viên Hội đồng quản trị, không tham gia ban điều hành của NH ACB.
“Việc tạm giam ông Kiên là quyết định của cơ quan chức năng do vậy không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của NH”, ông Toại nhấn mạnh.
Ông Toại cũng cho biết do không còn là cổ đông lớn, nên ông Kiên không có nghĩa vụ phải công bố thông tin về số cổ phần của NH ACB mà ông và các thành viên trong gia đình đang nắm giữ.
Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1964 và lớn lên tại Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1980, ông thi đậu vào Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), khóa 15. Sau một năm học tại Học viện, đạt kết quả xuất sắc, ông được chọn đi du học tại Hungary. Từ năm 1981-1985 học tại Trường kỹ thuật quân sự Zalka Maté, ngành thông tin liên lạc quân sự. Từ năm 1985-1993 là cán bộ Tổng công ty Dệt May Việt Nam. Năm 1994, cùng các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang xây dựng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), sau đó là Phó chủ tịch Hội Đồng Quản Trị trước khi chuyển thành Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB. Ngoài ra, ông Kiên còn có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác, như: Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á, Techcombank. Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng và bóng đá, bầu Kiên còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc… Ông Kiên là người khởi xướng thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ông Kiên cũng được biết đến trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (AVG). (Nguồn: Wikipedia) |
ĐNĐT tổng hợp