.

Giá vàng khó hạ nhiệt?

.

(ĐNĐT) - Trong khi giá vàng trong nước đang liên tiếp lập đỉnh thì thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho dập hơn 13 tấn vàng SJC mới đây đã được người dân và các chuyên gia kỳ vọng về thị trường vàng trong nước sẽ hạ nhiệt. Nhưng trên thực tế, vàng vẫn đang trên đà tăng giá mạnh, xấp xỉ đạt ngưỡng 48 triệu đồng/lượng.

Các ngân hàng cho rằng, Nhà nước  nên sớm cho nhập vàng để bình ổn thị trường trong nước
Các ngân hàng cho rằng, Nhà nước  nên sớm cho nhập vàng để bình ổn thị trường trong nước

Tặng mạnh, giảm nhẹ

Ghi nhận diễn biến thị trường vàng trong nước trong phiên đầu tuần (1-10), giá vàng không có nhiều biến động so với giá chốt phiên cuối tuần trước, dao động từ 47,05-47,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Đến chiều 1-10, giá vàng bắt đầu có dấu hiệu tăng, lên mức 47,5 triệu đồng/lượng. Sang ngày 2-10, trong phiên giao dịch sáng, giá vàng miếng SJC tại Đà Nẵng tiếp tục tăng thêm khoảng 200.000 đồng/lượng so với phiên chốt chiều hôm trước, ở mức 47,57 - 47,73 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong phiên giao dịch chiều 2-10, giá vàng đã tiến sát ngưỡng 48 triệu đồng/lượng, cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Và đến sáng ngày 3-10, giá vàng lại quay đầu giảm nhẹ khoảng 80.000 đồng/lượng, thế nhưng mở cửa phiên giao dịch sáng 4-10, giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới, đạt mức gần 48 triệu đồng/lượng.

Cụ thể lúc 8 giờ 30 phút sáng nay, giá vàng SJC tại Đà nẵng được niêm yết giá bán ra đạt mức 47,87 triệu đồng lượng; mua vào 47,75 triệu đồng/ lượng, tăng 50.000 đồng/ lượng cả chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ chiều ngày hôm qua.

Với mức giá như hiện nay, mức chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng thế giới vẫn tiếp tục được đẩy lên sát mức 3 triệu đồng/lượng.

Khó hạn nhiệt?

Từ ngày 20-9, NHNN đã cho phép Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), đơn vị độc quyền gia công vàng miếng SJC, được dập lại hơn 350.000 lượng vàng SJC (tương đương hơn 13 tấn vàng) gồm vàng móp méo và chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác sang SJC.

Ngay khi có thông tin, nhiều người kỳ vọng hơn 13 tấn vàng này được cung ứng ra thị trường sẽ giúp giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới chứ không cách biệt quá lớn như lâu nay. Và theo một lãnh đạo SJC, công suất một ngày gia công vàng của SJC khoảng 50.000 lượng nên bình thường chỉ cần 1 tuần, công ty sẽ hoàn thành số vàng này và tung ra thị trường. Như vậy, mỗi ngày thị trường sẽ có thêm 50.000 lượng vàng được tung ra nhằm dập tắt “cơn sốt” giá vàng có thể bùng phát.

Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi ngày giá vàng đều đã lập thêm đỉnh mới và bỏ xa giá thế giới có lúc đến gần 3 triệu đồng/lượng.

Nhận định về giá vàng trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Lý, nguyên giám đốc Công ty SJC Đà Nẵng, cho rằng giá vàng trong nước không thể giảm là do giá vàng trong nước luôn phụ thuộc vào giá vàng thế giới, không thể giảm khi thế giới vẫn tăng.

Hơn nữa, việc dập lại các thương hiệu vàng miếng khác về cơ bản không làm nguồn cung vàng nói chung thay đổi mà chỉ làm tăng nguồn cung vàng miếng SJC. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang tích cực thu mua vàng miếng SJC bởi nhu cầu của khách hàng cuối năm tăng rất cao. Ngoài ra, mỗi lần giá vàng tăng mạnh, xu hướng người dân đổ đi mua – bán vàng đã tái diễn, đặc biệt trong chiều ngày 2-10 và sáng 3-10, nhu cầu mua bán vàng của người dân đã tăng lên gấp 4-5 lần sau khi giá vàng gần đạt đỉnh 48 triệu đồng/lượng.

Tại cửa hàng SJC Đà Nẵng, một khách hàng tên Mai cho biết chị đến cửa hàng mua vàng để tích trữ chứ không nhằm mục đích đầu tư. “Thấy giá vàng liên tục tăng trong thời gian gần đây nên hai vợ chồng đã quyết định không gửi tiền vào ngân hàng để lấy lời mà đổ hết tiền vào vàng cho chắc ăn. Nếu ít bữa nữa, giá vàng lên đến 50 triệu đồng/lượng thì trúng lớn”, chị Mai nói.

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc NHNN cho dập hơn 13 tấn vàng SJC chỉ là một lượng vàng can thiệp rất mỏng, không thể ổn định thị trường vàng ngay được. Còn chuyện các NHTM đang tích cực thu mua vàng SJC với giá cao hơn các hiệu vàng, ông Doanh cho rằng, bởi các NHTM đã nhìn thấy lợi ích từ việc gom vàng sẽ đem lại sau đó. “Đây cũng là hành động đầu cơ”, ông Doanh khẳng định.

Để hạ nhiệt giá vàng trong nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tạo lòng tin cho người dân không rút tiền ra để mua vàng lúc này là rất cần thiết. Nhà nước phải cho người dân thấy được việc kiểm soát tốt tình hình tài chính hiện nay thì mới mong ổn định được thị trường vàng.

Đề xuất thêm giải pháp hạ nhiệt thị trường vàng trong nước, các ngân hàng đều cho rằng Nhà nước nên cho nhập khẩu vàng gấp để bình ổn thị trường trong nước.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

 

;
.
.
.
.
.