.

Ngân hàng “săn” khách vay vốn

.

(ĐNĐT) - Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đối với doanh nghiệp (DN), nhu cầu vay vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động cho vay hiện nay tại các ngân hàng (NH) trên địa bàn thành phố vẫn chủ yếu ưu tiên cho DN vay vốn ngắn hạn và vay tiêu dùng cá nhân.

Ưu đãi vay tiêu dùng

Những năm trước, vào các tháng cuối năm, NH thường hạn chế cho vay vì đã hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhưng năm nay thì ngược lại, hiện các NH đang đẩy mạnh khai thác cũng như cạnh tranh mạnh mẽ về lãi suất và tiện ích của các sản phẩm tín dụng cá nhân (TDCN). Anh Nguyễn Tấn Nam, nhân viên của  một công ty dầu ăn cho biết, mấy ngày nay anh liên tục nhận được điện thoại của NH mời chào vay vốn, do không có nhu cầu nên anh từ chối. Còn theo chị Hằng, nhân viên phòng tín dụng của một NH TMCP trên đường Nguyễn Văn Linh tiết lộ, chưa bao giờ hoạt động tín dụng của NH lại khó như hiện nay, tìm được khách hàng đã khó nhưng giải ngân được và thu hồi nợ còn khó hơn nhiều.

Hiện nhiều NH đang đẩy mạnh TDCN, kể cả những NH lớn trước đây chỉ chú trọng đến những khách hàng DN có những khoản vay lớn. Trong đó, tín dụng cho vay mua nhà trả góp, vay thế chấp nhà, mua xe… là lĩnh vực có tiềm năng mà các NH quan tâm. "Nhiều NH còn đưa ra các gói ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất huy động với kỳ vọng thu hút khách hàng cá nhân vay vốn", nhân viên NH này nói.

k
Khách hàng đến làm thủ tục vay vốn tại Tecombank Đà Nẵng

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu tháng 9 tới nay, HDBank đã áp dụng lãi suất ưu đãi với khách hàng cá nhân (KHCN) có nhu cầu vay vốn mua nhà ở và vay bổ sung vốn kinh doanh trong 3 tháng đầu là 8,6%/năm. Đồng thời, HDBank cũng giảm lãi suất tới 4%/năm cho các đối tượng khách hàng vay sản xuất kinh doanh; mua, sửa nhà; mua ô tô và tiêu dùng. Còn tại Sacombank, gói cho vay sản xuất kinh doanh mùa Tết với lãi suất ưu đãi đang được triển khai tại các chợ. Tiểu thương ở các chợ có thể được vay đến 100 triệu đồng mà không cần thế chấp tài sản. Ngoài ra, ACB cũng đã tập trung nguồn vốn và dành 7.000 tỷ đồng cho KHCN vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cho vay phục vụ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của cá nhân, nhất là với khách hàng vay mua nhà.

Trong kế hoạch kinh doanh TDCN, ACB đã xây dựng nhiều chương trình kinh doanh đặc thù như “Chương trình tích lũy từ lương, dựng xây tổ ấm” với ưu đãi lãi suất giảm thêm 1%/năm so với trước. Không chỉ cung cấp tín dụng, ACB còn tư vấn và cung cấp cho khách hàng sản phẩm, dịch vụ tài chính khác với lãi suất ưu đãi trong chương trình Hỗ trợ an cư trọn gói. Còn tại NH SeABank, khách hàng đến vay vốn không chỉ được hưởng ưu đãi lớn với mức lãi suất chỉ 9,9%/năm cho 3 tháng đầu khi vay mua nhà, mà khi khách hàng nộp đầy đủ hồ sơ vay vốn vào mỗi thứ ba hàng tuần tại SeABank sẽ được NH cam kết trả lời kết quả thẩm định món vay trong vòng 48 giờ.

Vẫn hạn chế cho vay vốn dài hạn

Song song với việc đẩy mạnh cho KHCN vay vốn, các NH thương mại trên địa bàn thành phố còn triển khai những gói tín dụng hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh. Tại NH SeAbank với gói tài chính trị giá 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ vốn cho các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng, sản xuất, xuất khẩu và chế biến. NH quân đội (MB) cũng vừa triển khai gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng dành cho DN nhỏ và vừa, áp dụng đối với các khách hàng có xếp hạng tín dụng từ loại A trở lên, không có nợ xấu tại thời điểm xét giải ngân; có sử dụng dịch vụ eMB; đồng thời ưu tiên DN thuộc các nhóm ngành theo định hướng phát triển tín dụng như: xuất khẩu mũi nhọn, phân phối, thiết bị điện, điện tử... Đại diện một NH TMCP cho biết, vấn đề khó nhất hiện nay vẫn là tìm DN đáp ứng đủ tiêu chuẩn để cho vay. Còn ông Lê Viết Tới, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước Sang cho rằng, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm nhưng việc xét duyệt hồ sơ vay của các NH rất chặt chẽ, nhất là khâu thẩm định.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu như ở thời điểm trước, vốn vay lãi suất thấp của các NH chủ yếu ưu tiên cho vay ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vay xuất khẩu, khách hàng truyền thống… thì đến nay, nguồn vốn của NH khá ổn định nên việc cho vay đã được mở rộng hơn. Mặc dù vậy, đa số các NH đều nhận định trong tình trạng khó khăn về kinh tế như hiện nay, các DN đều rất khó để phát triển, nhiều DN hoạt động chưa có hiệu quả nên việc cho vay ngắn hạn sẽ giúp cho NH bảo toàn nguồn vốn của mình tốt hơn, hạn chế tối đa các rủi ro và nợ xấu. Mặt khác, bản thân DN nếu vay dài hạn nhưng năng lực duy trì sản xuất kinh doanh kém thì nợ NH có thể là gánh nặng tiếp tục kìm hãm sản xuất.

Cũng theo các NH, bước sang năm 2013, khi DN hoạt động tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá, các NH có thể sẽ nâng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn để phù hợp với nhu cầu của DN và tình hình thực tế nền kinh tế.

Ông Võ Minh - Giám đốc NH Nhà nước (NHNN) Đà Nẵng cho biết: “Các tổ chức tín dụng phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng đối với nền kinh tế, các nhu cầu thanh toán nhất là trong dịp Tết sắp đến; thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và góp phần kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống”.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.